Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE thế giới sẽ đạt khoảng 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương. Sau thời gian bị gián đoạn kéo dài bởi đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu thị trường…, tạo dư địa lớn để du lịch MICE phát triển.
Việt Nam cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của MICE. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thống kê, chỉ riêng trong quý I năm 2024, doanh thu và lượng khách du lịch MICE đến Việt Nam đã tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế, chiếm khoảng 60-70% so với lượng khách hiện tại.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch, sở hữu cảnh quan thiên nhiên phong phú, tươi đẹp, hệ thống di sản văn hóa lịch sử đa dạng, lâu đời, cùng nền chính trị ổn định, chi phí dịch vụ rẻ và cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được hoàn thiện, Việt Nam có nhiều ưu thế để đẩy mạnh phát triển MICE. Thời gian gần đây, một số điểm đến như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… đã trở thành những trung tâm tổ chức sự kiện và hội nghị quan trọng của cả nước và trong khu vực. Vừa qua, việc Sun Pharma, một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất Ấn Độ lựa chọn đưa 4.500 nhân viên tới Việt Nam theo hình thức du lịch MICE cũng là tín hiệu tích cực cho thấy triển vọng của Việt Nam trong thu hút dòng khách MICE thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để trở thành điểm đến MICE đẳng cấp quốc tế, Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định, chúng ta còn thiếu chương trình phát triển du lịch MICE bài bản, chuyên nghiệp, thiếu những sản phẩm đặc thù, trung tâm tổ chức sự kiện quy mô lớn. Bên cạnh đó, khâu liên kết còn lỏng lẻo, nguồn nhân lực hạn chế về cả số lượng, chất lượng; công tác quảng bá du lịch MICE ra thị trường quốc tế cũng còn yếu, nhỏ lẻ. Đây là những điểm nghẽn cần được tháo gỡ nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch MICE Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn "Việt Nam-Điểm đến của du lịch MICE" vừa diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ MICE EXPO 2024, bà Lê Thị Tố Linh, Phó Trưởng phòng Thương mại hành khách của Vietnam Airlines tại khu vực Việt Nam cho rằng: MICE là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc điểm đến, sản phẩm trải nghiệm…, vì thế cần có một chương trình tổng thể về phát triển du lịch MICE được dẫn dắt bởi cơ quan quản lý nhà nước, giúp các thành phần trong ngành du lịch có thể quy tụ cùng hoạt động. Điều này cũng sẽ giúp công tác xúc tiến điểm đến Việt Nam nói chung đi vào trọng tâm, tiết kiệm chi phí và có sức mạnh quảng bá hơn so với việc từng đơn vị tự thực hiện riêng lẻ. Bên cạnh đó, cần có chiến lược xây dựng lợi thế cạnh tranh cho điểm đến du lịch Việt Nam với tầm nhìn dài hạn cả năm như tổ chức hoặc đấu thầu các chương trình sự kiện (giải thể thao, chương trình âm nhạc…) tầm cỡ quốc tế nhằm nâng cao khả năng quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch trong sự kiện.
Để du lịch MICE Việt Nam bứt phá, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam lưu ý: Cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bên liên quan để nâng cao tính đồng bộ trong chuỗi dịch vụ cung cấp cho khách MICE; trong đó, cơ quan chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng về tổ chức sự kiện; chính quyền địa phương, cơ quan xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp trong quảng bá điểm đến du lịch MICE; đơn vị tổ chức sự kiện bảo đảm tính xâu chuỗi, liền mạch các dịch vụ; các nhà cung ứng dịch vụ liên quan và cộng đồng địa phương hợp tác với các đơn vị tổ chức sự kiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn thiết bị, kỹ thuật, công nghệ... Sự liên kết này sẽ giúp tối ưu chi phí, tăng hiệu quả nhờ chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm; đồng thời tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, mở rộng mối quan hệ giữa các bên liên quan và với đối tác quốc tế, từng bước chuyên nghiệp hóa du lịch MICE Việt Nam.