Tham gia buổi lễ nhận bàn giao mặt bằng từ phía thành phố Thủ Ðức thời điểm cuối tháng 3, không chỉ chủ đầu tư và các nhà thầu thi công công trình cầu Nam Lý thở phào mà người dân địa phương cũng tỏ ra phấn khởi. Chỉ tay vào mố cầu thi công dở dang, ông Nguyễn Xuân Sắc, một người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng cho hay: "Chỉ cần bộ phận nhà đất phường yêu cầu bàn giao mặt bằng là gia đình tôi chấp hành ngay. Tôi cũng đã sửa nhà, cải tạo đúng ranh mốc, bảo đảm bàn giao mặt bằng đúng hẹn". Cũng như ông Sắc, bà con ở khu vực công trình đều mong muốn nhìn thấy cây cầu dài 750m này hoàn thành, đi lại thuận tiện vì đã bốn năm cầu Nam Lý ngừng thi công do thiếu mặt bằng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết: Dự án cầu Nam Lý trên đường Ðỗ Xuân Hợp được khởi công năm 2016 với tổng mức đầu tư 919 tỷ đồng. Ðây là công trình giao thông quan trọng, sử dụng vốn đầu tư công, nhằm thay cầu Cống Ðập Rạch Chiếc, vốn nhỏ hẹp và đã xuống cấp, nhưng do vướng mặt bằng cho nên phải ngừng thi công từ tháng 4/2019. Ðến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành cho nên thành phố phấn đấu hoàn thành công trình vào giữa năm 2024.
Từ câu chuyện vốn chờ mặt bằng, lãnh đạo thành phố Thủ Ðức đúc kết: "Kinh nghiệm rút ra trong quá trình giải phóng mặt bằng là phải có sự quan tâm sâu sát, hỗ trợ bồi thường sát giá thị trường". Sau cầu Nam Lý, thời gian tới, thành phố Thủ Ðức tiếp tục phấn đấu hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thực hiện ba dự án cầu khác, gồm: Cầu Ông Bồn, xây dựng mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh, xây dựng cầu Tăng Long, qua đó hoàn thiện hạ tầng giao thông cho các tuyến đường huyết mạch của thành phố Thủ Ðức.
Theo thống kê, có 10 dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách thành phố trong năm 2023 với nguồn vốn hơn 700 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn đã chủ động lên kế hoạch thực hiện các dự án này, đồng thời giao các đơn vị liên quan phối hợp cùng địa phương triển khai. Trong đó, dự án xây dựng đường vành đai 3 được huyện xem là dự án trọng điểm của thành phố cũng như quốc gia cho nên dồn sức thực hiện. Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện, đến nay huyện đã hoàn tất niêm yết và công khai bảng dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 332 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong tháng 4, huyện Hóc Môn sẽ trình chứng thư thẩm định giá cho Sở Tài nguyên và Môi trường để thông qua, trên cơ sở đó ban hành chính sách bồi thường. Với tiến độ thực hiện nêu trên, huyện Hóc Môn đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công của dự án vành đai 3 trên địa bàn huyện bảo đảm kế hoạch chung mà thành phố yêu cầu, phấn đấu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án trong tháng 6 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn đánh giá, trong tổng vốn đầu tư thực hiện 10 dự án của huyện thì chi phí cho giải phóng mặt bằng chiếm đến 80% (500 tỷ đồng trong số 700 tỷ đồng). Ðiều này cho thấy công tác giải phóng mặt bằng vô cùng quan trọng, muốn triển khai thì phải có mặt bằng, hai công tác này phải "chạy" song song với nhau. Trong khi khâu giải phóng mặt bằng luôn là khâu dễ ách tắc vì phải được người dân chấp thuận giá đền bù rồi họ mới giao đất cho địa phương. Do đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công hoàn toàn lệ thuộc vào tiến độ đền bù. Cũng theo ông Tuyên, thông thường trong quý I và II, địa phương rất khó đạt tỷ lệ giải ngân cao, mà sang quý III trở đi các công việc, quy trình hồ sơ mới được "kích hoạt" thì kết quả giải ngân mới tăng lên…
Ðánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công (đối với phần bồi thường), Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố có 197 dự án được ghi vốn bồi thường trong năm 2022 với tổng số vốn là 12.097,796 tỷ đồng, hiện đã giải ngân được gần 10.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ giải ngân 80,56%); thực chi 7.365,820 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 60,89%). Trong đó, một số địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao như các quận: 5, 8, 10, Bình Thạnh, Bình Tân. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố nhận định, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Ðáng lưu ý, công tác lập dự án của các chủ đầu tư chưa chính xác, dẫn đến khi đi vào thực tế công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì có phát sinh (như phát sinh thêm diện tích đất thu hồi, tăng tổng mức đầu tư,...) dẫn đến phải điều chỉnh dự án nhiều lần.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Võ Trung Trực chia sẻ: Một trong những giải pháp thực hiện trong năm nay là thành phố không bố trí vốn cho cấu phần xây lắp khi chưa bảo đảm tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo kế hoạch, nhằm bảo đảm nguồn lực khi phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án bao gồm cấu phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây lắp. Ðồng thời, các chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm thực hiện khái toán đúng và đầy đủ tổng mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án và ký hợp đồng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay sau khi dự án được phê duyệt theo quy định để Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng các địa phương sớm triển khai nhằm bảo đảm tiến độ chung của dự án ■