Đưa điện lưới về vùng khó khăn, biên giới

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành điện lực Lạng Sơn đã tập trung đầu tư cho các dự án điện, trong đó, nổi bật là dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Nhờ đó, đến nay 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có điện, với 99,64% hộ dân có điện, trong đó tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia hơn 99%.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thôn Phai Vài, xã Lợi Bác (Lộc Bình, Lạng Sơn) vui mừng vì có điện lưới quốc gia.
Người dân thôn Phai Vài, xã Lợi Bác (Lộc Bình, Lạng Sơn) vui mừng vì có điện lưới quốc gia.

Về xã vùng giáp biên Thanh Lòa (huyện Cao Lộc), khắp đồi núi đều phủ một mầu xanh bạt ngàn của rừng cây. Bí thư Đảng ủy xã Âu Văn Ấn chia sẻ: Là xã đặc biệt khó khăn, Thanh Lòa có bốn thôn bản, trong đó có ba thôn giáp biên.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đến nay 100% hộ dân đã được sử dụng điện lưới, trong thôn nhà nào cũng có ti-vi để xem, nhiều hộ đã xây được nhà kiên cố, có tủ lạnh,...

Trước đây, kể cả trong mơ nhiều người cũng chưa bao giờ dám nghĩ điện lưới sẽ về với các thôn bản giáp biên, vì đây là vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn, cách trở, mỗi ngọn đồi chỉ có vài nhà trú ngụ, bốn bề là núi đồi bao bọc.

Nay điện đã về, sẽ mở ra cơ hội để bà con các dân tộc tận dụng tiềm năng, lợi thế về trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Nà Làng (Thanh Lòa) Vi Văn Thạo vui vẻ nói: "Việc kéo điện lưới đến các hộ dân cần chi phí đầu tư rất lớn, nhưng thời gian qua, ngành điện lực Lạng Sơn đã đưa điện đến được các hộ gia đình, đó là một kỳ tích. Từ khi có điện, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã có sự thay đổi rất tích cực, hầu hết các gia đình đều có ti-vi để xem, các phương tiện như: máy xay xát, máy tuốt lúa, tẽ ngô... phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống cho bà con".

Phai Vài là một trong hai thôn khó khăn nhất của xã Lợi Bác (huyện Lộc Bình), trước đây các hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Song từ nguồn vốn của dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia phân kỳ đầu tư năm 2022-2023, Điện lực Lộc Bình cùng với đơn vị thi công đã thực hiện kéo mới hơn 8km đường dây trung thế và lắp đặt mới một trạm biến áp với công suất 50kVA để cấp điện cho 112 hộ trong thôn.

Là một trong những hộ đầu tiên có điện thắp sáng căn nhà của mình, bà Tô Thị Thành (thôn Phai Vài) rất vui mừng. Bà Thành cho biết: "Nhiều năm qua, gia đình tôi phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng, nay đã được sử dụng điện. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, ngành điện đã đưa điện lưới quốc gia đến với chúng tôi…".

Không chỉ 112 hộ dân thôn Phai Vài, xã Lợi Bác (Lộc Bình) được sử dụng điện lưới quốc gia trong dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, hơn 2.800 hộ của 91 thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn của 27 xã thuộc bảy huyện trên địa bàn tỉnh cũng có điện lưới quốc gia để sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Hoàng Văn Chung cho biết: Trong năm 2022, 21 thôn đặc biệt khó khăn của huyện (4 thôn của xã Mông Ân, 6 thôn của xã Yên Lỗ, 4 thôn của xã Quý Hòa, 5 thôn của xã Hưng Đạo và 2 thôn của xã Thiện Hòa) đã có điện lưới quốc gia, giúp bà con nâng cao đời sống.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn Phạm Ngọc Minh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, cơ bản ngành điện đã xóa thôn, bản "trắng" điện lưới quốc gia, hệ thống điện đã đến tất cả các địa bàn thôn, bản vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới của tỉnh. Nhờ kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp cho từng nhóm công tác và hạng mục công việc, hoạt động đầu tư xây dựng dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Lạng Sơn đã về đích trước thời hạn một năm so với kế hoạch đề ra. Điều đặc biệt là việc kéo điện lưới quốc gia đến những thôn, bản đặc biệt khó khăn đúng vào dịp Xuân Quý Mão 2023, qua đó góp phần tạo thêm niềm vui, sự ấm áp trong mùa xuân này.

Mặc dù hệ thống điện lưới đã kéo đến tất cả thôn, bản của tỉnh nhưng do địa hình nên thời điểm này vẫn còn một số hộ chưa được kéo điện đến nhà để sử dụng.

Để hướng tới 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, năm 2023, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai Đề án cấp điện nông thôn với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng để hướng tới mục tiêu 100% hộ dân ở các vùng đặc biệt khó khăn sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia trong năm nay.