Đưa công tác giám sát đi vào chiều sâu

Thời gian qua, Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh Bắc Kạn đã tích cực đổi mới công tác giám sát. Nội dung giám sát cụ thể, đi sâu vào những vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm, có trọng tâm, trọng điểm.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bắc Kạn giám sát việc quản lý trang thiết bị giáo dục tại Trường THCS Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn. (Ảnh: HUY NHÂN)
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bắc Kạn giám sát việc quản lý trang thiết bị giáo dục tại Trường THCS Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn. (Ảnh: HUY NHÂN)

Sau khi thực hiện hoạt động giám sát, nhiều hạn chế, bất cập, vi phạm đã được chỉ ra, các vấn đề được kiến nghị đều cơ bản được giải quyết thấu đáo, kịp thời.

Lựa chọn vấn đề nóng

Tại Bắc Kạn việc cung ứng, bảo quản trang, thiết bị giáo dục bộc lộ nhiều bất cập. Quá trình triển khai có dấu hiệu không minh bạch gây nên nhiều dư luận không tích cực. Trước tình hình này, năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện các quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và mua sắm thiết bị trường học cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông từ năm 2020 đến nay.

Kết quả giám sát cho thấy, có những dấu hiệu bất thường khi có tới 26 gói thầu chỉ có một nhà thầu tham gia; một nhà thầu trúng nhiều gói thầu ở các huyện. Có gói thầu giá trị lớn nhưng kết quả trúng thầu cơ bản không giảm. Có tình trạng gói thầu ở nhiều địa phương, nhưng có cùng một đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; cùng một đơn vị tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và cùng một đơn vị trúng thầu...

Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình, thủ tục đấu thầu của các gói thầu đã thực hiện, kiên quyết xử lý vi phạm nếu có. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Cơ quan điều tra (Công an tỉnh) cũng vào cuộc xác minh để điều tra, làm rõ.

Chợ Đồn là huyện rộng của tỉnh Bắc Kạn với diện tích tự nhiên hơn 91.135 ha. Việc quản lý đất đai tại địa phương này cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, còn nhiều đơn thư khiếu nại. Từ năm 2020-2023, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã tiếp nhận 399 đơn thư liên quan đến đất đai.

Trước tình trạng này, cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân huyện chủ động lựa chọn và triển khai giám sát về công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã từ năm 2020 đến tháng 8 năm 2022. Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra những hạn chế, gồm: Một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất chưa quản lý sử dụng đúng mục đích được giao; còn tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất; bản đồ địa chính đất lâm nghiệp một số xã còn nhiều sai sót; vẫn còn diện tích bị vướng mắc, trùng lấn... Từ những phát hiện này, Hội đồng nhân dân huyện đã kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo triển khai các giải pháp khắc phục kịp thời.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Chợ Đồn Ma Thị Na cho biết: “Nội dung giám sát được lựa chọn mang tính bao quát, tập trung vào những vấn đề lớn, nổi cộm có tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Các báo cáo kết quả, kết luận giám sát đánh giá đúng tình hình, trọng điểm, xác định rõ ưu điểm những kết quả đạt được, các hạn chế khuyết điểm và những kiến nghị đề xuất của báo cáo cũng xác đáng, sát thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri”.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 tới nay, trung bình mỗi năm, Hội đồng nhân dân tỉnh triển khai hai nội dung giám sát. Các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng triển khai nhiều cuộc giám sát về các vấn đề được dư luận quan tâm. Hội đồng nhân dân huyện cũng tăng cường các cuộc giám sát với nội dung rất đa dạng, chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt là lựa chọn nội dung giám sát về những vấn đề bức xúc, được cử tri quan tâm, không ngại va chạm, không né tránh. Những nội dung này được phát hiện, lựa chọn thông qua các kênh báo chí, dư luận, tiếp xúc cử tri, đơn thư khiếu nại và qua giám sát thường xuyên.

Đổi mới, nâng cao chất lượng

So với những nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn có nhiều đổi mới trong công tác giám sát. Trước đây, sau khi lựa chọn nội dung giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ ban hành kế hoạch giám sát và triển khai giám sát. Giờ đây, sau khi lựa chọn nội dung giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tổ chức đoàn khảo sát đi các địa phương, đơn vị, từ kết quả khảo sát mới xây dựng đề cương giám sát, lựa chọn từng vị trí, cơ quan, đơn vị để giám sát trực tiếp.

Đổi mới thứ hai là việc tổ chức các phiên giải trình cho đối tượng giám sát. Theo đó, trước khi ký ban hành báo cáo kết quả giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tổ chức cho các đối tượng giám sát nghiên cứu và tham gia phiên giải trình về các nội dung trong dự thảo báo cáo giám sát.

Đổi mới thứ ba là việc đề ra những yêu cầu, kiến nghị hết sức cụ thể trong báo cáo giám sát. Theo đó, các báo cáo giám sát đều yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện các đơn vị liên quan về việc thực hiện các kiến nghị theo hướng: Ai, đơn vị nào thực hiện; bao giờ thực hiện; thời hạn giải quyết. Tại các kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh, việc thực hiện kiến nghị sau giám sát phải được tổng hợp và báo cáo.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn Hoàng Thu Trang cho biết: “Đổi mới trong tổ chức thực hiện giám sát, giải trình và kiến nghị sau giám sát giúp nâng cao chất lượng các cuộc giám sát. Thông qua giải trình, nội dung báo cáo giám sát càng chính xác còn đối tượng giám sát cũng tâm phục, khẩu phục. Những nội dung thực hiện kiến nghị sau giám sát nếu chưa thỏa đáng thì Hội đồng nhân dân tỉnh có thể tổ chức giám sát lại”.

Đưa công tác giám sát đi vào chiều sâu ảnh 1

Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện mô hình khuyến nông tại xã Chu Hương, huyện Ba Bể. (Ảnh: THU TRANG)

Khó khăn đối với việc nâng cao chất lượng các cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp chính là thiếu đội ngũ cán bộ. Hiện tại, Hội đồng nhân dân cấp xã thường có một cán bộ chuyên trách; cấp huyện có ba cán bộ; Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ có cấp phó thường trực và các phó trưởng ban là chuyên trách. Số lượng đại biểu chuyên trách cũng đang ở mức thấp, ở Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, số đại biểu chuyên trách chỉ chiếm khoảng 10%. Trình độ của đại biểu Hội đồng nhân dân các xã, thị trấn chưa đồng đều, nhất là đại biểu ở các thôn, tổ, cho nên chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của mình.

Đồng chí Ma Thị Na cho biết thêm: “Đối với cấp xã, do chất lượng trình độ chuyên môn của đại biểu không đồng đều, cho nên khi thực hiện giám sát chuyên đề, lực lượng giám sát thường chỉ có Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã làm nòng cốt, một số đại biểu làm thành viên, một số chưa trưng tập được cán bộ chuyên môn có hiểu biết sâu về lĩnh vực giám sát, vì vậy chất lượng, hiệu quả giám sát chưa được như kỳ vọng”.

Để khắc phục những vấn đề này, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục củng cố, phát huy những giải pháp, đổi mới đã minh chứng được hiệu quả trong thực tiễn; đồng thời, kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trong đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm trả lời, giải quyết các nội dung chất vấn và thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát đối với các cơ quan được giám sát sau khi kết thúc cuộc giám sát; bổ sung chế tài đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc chậm thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát để hoạt động giám sát ngày càng chất lượng, hiệu lực và hiệu quả cao.