Đẹp như một tác phẩm điêu khắc
Một viên ngọc của nghệ thuật kiến trúc thế giới, với tông màu trắng sữa chủ đạo. Một tổ hợp lập thể đầy oai vệ của những khối hộp hình vuông, hình bát giác xếp chồng lên nhau theo một cách thức dị thường, với tầng trên cùng tái hiện bộ trang phục niqab truyền thống chỉ để hở đôi mắt đầy ám ảnh của phụ nữ Hồi giáo. Một bản hợp xướng của ánh sáng và bóng đổ, nhờ sự hỗ trợ của ánh nắng mặt trời chói chang vùng sa mạc và ánh đèn chiếu rọi tinh tế vào ban đêm. “Nếu không tới nơi đây, các bạn sẽ hối tiếc” – đó là lý do khiến cô hướng dẫn viên quyết định chọn bảo tàng là điểm dừng chân đầu tiên, trong hành trình khám phá Qatar của chúng tôi.
MIA - góc nhìn từ trên cao, nguồn ảnh: Wikipedia.com
Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo Qatar (Museum of Islamic Art – MIA) là tác phẩm cuối đời mà kiến trúc sư tài hoa người Mỹ gốc Trung Quốc Ieoh Ming Pei (Bối Duật Minh) đã dành trọn tâm huyết sáng tạo nên, sau hành trình ròng rã chín tháng trời khám phá Trung Đông để tìm nguồn cảm hứng. Ông đã thăm thú những đền thờ Hồi giáo cùng những pháp đài cổ đại ở Ai Cập và Tunisia, đã nghiên cứu rất nhiều trang sử liệu để cho ra đời một thiết kế “mạnh mẽ và giản đơn”, với kinh phí xây dựng lên tới 50 triệu USD. Khá mộc mạc, giản dị nếu so với những hình khối loè loẹt bắt mắt của kiến trúc vùng Vịnh mà ta có thể bắt gặp rất nhiều ở Dubai và Abu Dhabi nhưng bảo tàng được giới làm nghề đánh giá rất cao. Được tôn vinh là “kỳ quan mới”, là “di sản văn hoá của cả nhân loại”, MIA cũng là đỉnh cao trong danh mục những tác phẩm ấn tượng do chính I.M.Pei sáng tạo. Như Nhà hát Kennedy (Đại học Hawaii), Bảo tàng Nghệ thuật Everson (New York), Bảo tàng Nghệ thuật (Indiana), Bảo tàng Rock&Roll (Ohio), Bảo tàng Miho (Nhật Bản) và Bảo tàng nổi tiếng Louvre của Pháp (đảm nhiệm công đoạn mở rộng và phục chế)… Từng nhận giải thưởng Fritzker danh giá năm 1983, ông được vinh danh là “gương mặt KTS nổi bật của thế kỷ XX”. Và MIA, một lần nữa giúp ông khẳng định danh xưng đầy tự hào đó, khi đã ở tuổi 91.
MIA rực rỡ trong đêm Doha huyền bí. (Ảnh: trover.com)
Nằm kế bên bến cảng Doha, bảo tàng tọa lạc trên một hòn đảo nhân tạo nằm cách bờ biển vài chục mét. Một công viên, với những cồn cát, ốc đảo nằm dọc theo đường bờ biển phía sau tạo thành một phông nền tuyệt đẹp, giúp tôn lên vẻ quyến rũ hoàn hảo của công trình. Hai cầu đường bộ rợp mát bóng cọ và hai cầu tàu đường thuỷ giúp du khách có thể tiếp cận bảo tàng theo nhiều hướng khác nhau.
Toàn cảnh bảo tàng MIA. (Ảnh: trover.com)
Với tầm nhìn của một KTS hàng đầu, e ngại một ngày nào đó, tuyệt tác sẽ bị che lấp bởi những toà nhà chọc trời đang ngạo nghễ vươn mình bên bờ vịnh, Ieoh Ming Pei đã yêu cầu Tiểu vương Sheikh Hamad Bin Khalifa al Thani phải xây một hòn đảo riêng, để cách ly “đứa con tinh thần” của ông với phần còn lại của thành phố. Nhờ vậy, tới Doha hôm nay, khách du lịch có thể nhìn ngắm trọn vẹn toà nhà này từ mọi hướng, cho dù thành phố này liên tục thay đổi diện mạo với tốc độ xây dựng chóng mặt.
Nội thất bên trong bảo tàng. (Ảnh: trover.com)
Ngoài diện tích không gian triển lãm xấp xỉ 5 nghìn m2, bảo tàng còn dành tới 45 nghìn m2 cho khu trưng bày, khu bảo tồn, thư viện, trung tâm giáo dục…. với khoảng 1600 nhân viên phục vụ du khách và tổ chức các hoạt động văn hoá liên quan. Hoàn tất xây dựng từ năm 2006 nhưng phải sau hai năm tập trung cho thiết kế nội thất, bảo tàng mới có thể đón khách vào năm 2008.
Nghệ thuật thư pháp chữ Arab (calligraphy) trên sản phẩm gốm sứ - nét đặc sắc riêng của Nghệ thuật Hồi giáo. Ảnh: PHƯƠNG HỒ
Ảnh: PHƯƠNG HỒ
Ảnh: PHƯƠNG HỒ
Ảnh: PHƯƠNG HỒ
Dấu ấn đậm nét của kiến trúc cổ Hồi giáo được biến hoá uyển chuyển nhờ sự thay đổi hình khối liên tục trong không gian ba chiều, từ bát giác sang vuông rồi biến thành hình tròn, qua đó tạo thành các khối bề mặt hết sức đa dạng. Hướng tới vẻ đẹp vĩnh cửu, hình khối công trình gợi cảm hứng trở lại với quá khứ vàng son, khi nghệ thuật và kiến trúc Hồi giáo có mối liên hệ mật thiết với lịch sử các nền văn minh trên thế giới. Bên trong bảo tàng, những phòng trưng bày được sắp xếp quanh một không gian dạng tháp, với mái vòm tuyêt đẹp được soi rọi bởi luồng ánh sáng mặt trời lọt qua những khe cửa lùa được thiết kế tinh tế.
Bộ sưu tập vô giá
MIA ôm trọn trong lòng một kho tàng nghệ thuật Hồi giáo được công nhận là lớn nhất thế giới. Hơn 800 tác phẩm nghệ thuật vô giá đến từ ba châu lục, chắt lọc những gì tinh tuý nhất trong quá trình phát triển rực rỡ của các quốc gia Hồi giáo từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX. Những bản kinh Qu’ran cổ nhất, những mẫu vải quý hiếm, những tấm thảm tinh xảo, những món đồ trang sức độc lạ, những vật dụng thuộc đủ chất liệu (đồng, sứ, kim loại quý, thuỷ tinh, gỗ, đá quý) ….tất cả cùng làm nên một bộ sưu tập dạng bách khoa thư đáng ngưỡng mộ. Lang thang khắp các phòng trưng bày, chúng tôi thỏa sức chiêm ngưỡng những cổ vật có niên đại nhiều thế kỷ, được thu thập từ những nền văn minh rực rỡ như Iran, Ai Cập, Syria, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Thông tin từ website của bảo tàng cho hay, hơn một tỷ đô – la Mỹ mỗi năm đã được mạnh tay chi trả, để mang về cho Qatar những món đồ cổ vô giá cùng những tuyệt tác hội hoạ hàng đầu thế giới.
Vị thế của một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên nằm trong tốp đầu thế giới giúp Qatar thừa thãi tiềm lực tài chính để mạnh tay vung tiền cho giấc mơ cường quốc nghệ thuật. Sheikha Al Mayassa Hamad bin Khalifa Al Thani, con gái Hoàng thân Qatar đã trở thành một thế lực lớn trong những phiên đấu giá tranh hàng đầu. Theo giới thạo tin, 11 bức tranh Rothko từ bộ sưu tập nổi tiếng của Ezra Merkin, những tác phẩm lớn của Lichtenstein và Koons của nhà Sonnabend và bức The men in her life của Warhols… với giá trị mỗi tác phẩm lên tới cả trăm triệu USD đều đã được bổ sung cho bộ sưu tập của bảo tàng này. Đặc biệt, tác phẩm Nafea Faa Ipoipo của danh hoạ Paul Gaugain đã được xứ sở dầu mỏ này sở hữu, với mức giá ngất ngưởng 300 triệu USD. Và Card Players của danh hoạ Cézane cũng góp mặt tại đây, với mức giá 250 triệu USD …
Một số tác phẩm tinh hoa của nghệ thuật Hồi giáo có tuổi đời hàng nghìn năm đang được lưu giữ tại Bảo tàng. Ảnh HUYỀN NGA
Giá trị quá lớn của bộ sưu tập khiến bảo tàng này được bảo vệ bằng những công nghệ tối tân nhất. Hệ thống kiểm tra an ninh cực kỳ nghiêm ngặt với mỗi khách tham quan. Lục lọi thông tin trên mạng, tôi còn phát hiện ra một số chi tiết thú vị. Tủ chứa cổ vật bao bọc bằng kính cường lực và vật liệu carbon cứng như kim cương. Ba lớp bảo vệ an ninh đảm bảo dù có bị phá hoại, đặt bom hay cúp điện thì hệ thống vẫn hoạt động bình thường. Sóng âm và các chùm tia hồng ngoại có khả năng ngăn chặn mọi sự xâm nhập sau khi bảo tàng đóng cửa. Và nếu chuông báo động reo, cổ vật sẽ tự động được chuyển xuống căn hầm ngầm, với độ sâu vài chục mét dưới mặt đất. Thứ mà ta nhìn thấy thực chỉ là hình ảnh ảo được truyền tải bằng video, hệ thống gương và công nghệ ánh sáng hiện đại. “MIA miễn nhiễm với mọi âm mưu phá hoại và trộm cắp, dù tinh vi nhất” – ông Abdulah Al Najjar, Giám đốc bảo tàng từng tự tin khẳng định.
Ảnh HUYỀN NGA
Sau khi lạc vào thế giới nghệ thuật của xứ sở Ba Tư huyền bí, ngắm nhìn Doha rực rỡ khi màn đêm buông xuống, từ góc nhìn toàn cảnh trên sân thượng bảo tàng cũng là một trải nghiệm thú vị mà bạn đừng bỏ lỡ, để có những tấm hình lưu niệm ấn tượng khó quên về một Qatar năng động, giàu bản sắc.
Ảnh HUYỀN NGA
Ảnh HUYỀN NGA
Ảnh HUYỀN NGA
Bảo tàng mở cửa từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối các ngày trong tuần, từ thứ bảy tới thứ năm. Riêng ngày thứ sáu, ngày cuối tuần theo lịch Hồi giáo, giờ mở cửa từ 1 giờ 30 đến 7 giờ tối. Để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật, máy ảnh có đèn flash không được phép sử dụng trong không gian trưng bày. |