Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cùng các Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp trong ngành cùng thảo luận, đánh giá về cơ hội và thách thức của du lịch Quảng Ninh thời kỳ hậu Covid-19, cũng như trao đổi về định hướng và giải pháp đột phá để đưa ngành công nghiệp không khói vùng di sản sớm phục hồi và bứt phá nhanh, mạnh, trong điều kiện bình thường mới.
Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Việt Nam; các Sở Du lịch: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh cùng đại diện một số doanh nghiệp lớn, uy tín trong hoạt động du lịch là Sun Group, Du thuyền Đông Dương, Saigontourist, VietFood Travel, Viettravel.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch nhận định, trước những ảnh hưởng nặng nề và lâu dài của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, Tổng cục Du lịch đã và đang nỗ lực rà soát, đánh giá để tiếp tục kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ tăng cường các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động kéo dài đến hết năm 2023. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, bên cạnh những chính sách hỗ trợ này thì việc mở cửa đón khách trở lại an toàn là “chìa khóa” để giúp doanh nghiệp hồi phục.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, cơn bão Covid-19 đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với ngành du lịch Việt Nam, trong đó có Quảng Ninh. Du lịch Quảng Ninh đã và đang phải đối diện trực diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Là một trong những trung tâm thu hút khách du lịch hàng đầu Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách và doanh thu du lịch Quảng Ninh đã sụt giảm nghiêm trọng và chỉ bằng khoảng 35% với thời điểm trước dịch; hàng loạt doanh nghiệp du lịch, dịch vụ phải đóng cửa, người lao động mất việc làm và còn nhiều những khó khăn khác không thể kiểm đếm hết”.
Ngay trong giai đoạn khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã duy trì việc kiểm soát dịch bệnh an toàn, với nhiều biện pháp bảo vệ vùng xanh đặc biệt hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để du lịch Quảng Ninh có thể nhanh chóng bứt phá trong giai đoạn bình thường mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế vào năm 2030.
Bà Cao Ngân Hà, Trưởng ban Marketing Tập đoàn Sun Group chia sẻ, nhìn chung du lịch ở trạng thái bình thường mới sẽ có xu hướng du lịch giãn cách, ưu tiên các điểm đến không đông đúc; ưu tiên các trải nghiệm an toàn; hành trình không chạm; Quảng Ninh, với những lợi thế như tốc độ tiêm chủng cao, chiến lược mở cửa du lịch có kiểm soát chặt chẽ, mô hình du lịch an toàn, biệt lập đang không chỉ khẳng định vị thế điểm đến giàu tiềm năng nhất mà còn có cơ hội phục hồi du lịch tốt bậc nhất cả nước.
Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận, chia sẻ các giải pháp giúp du lịch Quảng Ninh thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới, đồng thời đưa ra đề xuất, kiến nghị phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế, đưa vùng di sản trở thành điểm đến hấp dẫn cả 4 mùa trong năm.
Theo đó, Quảng Ninh cần nhanh chóng áp dụng mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine; xây dựng các chương trình kích cầu với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn tại các điểm đến tham quan nổi tiếng; xây dựng bộ tiêu chí về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch; tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa lễ hội quy mô, đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giới thiệu quảng bá điểm đến Quảng Ninh “An toàn, thân thiện, hấp dẫn” đến du khách trong nước và quốc tế.