Dự án về đích đúng tiến độ, “phần thưởng” cho cả cán bộ y tế và người dân thụ hưởng

NDO - Mặc dù bị gián đoạn gần hai năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đến nay dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” vẫn về đích đúng tiến độ đề ra. Cán bộ y tế cơ sở làm việc khang trang, đầy đủ thiết bị, người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, có chất lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho người dân tại trạm y tế xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, Trà Vinh.
Khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho người dân tại trạm y tế xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, Trà Vinh.

Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” được triển khai ở 13 tỉnh khó khăn gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Ninh Thuận, Hậu Giang, Bạc Liêu và Long An, với ba hợp phần chính: Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao năng lực của trạm y tế xã trong quản lý các vấn đề sức khoẻ ưu tiên; hỗ trợ xây dựng chính sách, thí điểm các sáng kiến, quản lý và điều phối dự án. Các hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các địa phương; hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu; ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Tổng số đã có 464 trạm y tế tuyến xã và 14 trung tâm y tế tuyến huyện được nâng cấp, xây mới; 1.703 trạm y tế được cung cấp thiết bị y tế theo nhu cầu đạt tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ chất lượng hoặc trang thiết bị để tăng cường quản lý các vấn đề sức khỏe ưu tiên. Công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ mạng lưới y tế cơ sở được chú trọng khi 97% số cán bộ y tế tại tuyến xã với hàng chục nghìn lượt cán bộ được đào tạo. Nhờ đó đã giải quyết sự thiếu hụt về năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở, tập trung vào các vấn đề ưu tiên: Tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung, chăm sóc bà mẹ trẻ em, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, châm cứu phục hồi chức năng…

Ngoài ra, gói Sức khỏe Việt Nam với việc chẩn đoán phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính cũng được hỗ trợ triển khai. Đáng chú ý, nếu mục tiêu đề ra là có 439 trạm y tế áp dụng bảng kiểm chất lượng, thì thực tế số trạm áp dụng là 1.040 trong tổng số 1.746 trạm y tế của 13 tỉnh. Bộ Y tế đang thực hiện đánh giá toàn diện bộ công cụ và xem xét việc áp dụng bảng điểm chất lượng cho toàn quốc.

Cùng với đó là các sáng kiến truyền thông, giáo dục và sàng lọc sức khoẻ cũng được áp dụng. Như truyền thông-sàng lọc bệnh không lây nhiễm tại 104 xã thuộc 19 huyện khó khăn giúp nâng cao khả năng phát hiện sớm và quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và ung thư cổ tử cung tại cộng đồng; áp dụng truyền thông dinh dưỡng tại 57 xã thuộc 17 huyện khó khăn giúp nâng cao kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và phụ nữ có con dưới 5 tuổi...

Dự án về đích đúng tiến độ, “phần thưởng” cho cả cán bộ y tế và người dân thụ hưởng ảnh 1

Được đầu tư xây mới, trạm y tế xã Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La có cơ ngơi khang trang phục phụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Ban quản lý dự án trung ương và 11 tỉnh triển khai dự án ký biên bản ghi nhớ với Novartis Foundation để thực hiện sàng lọc và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại tuyến cơ sở. Hơn 350 xã với 408.623 người đã được sàng lọc và trạm y tế quản lý về các bệnh liên quan. Sáng kiến này được đánh giá là hiệu quả và đang nghiên cứu để mở rộng quy mô.

PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban quản lý dự án trung ương đánh giá, đến nay dự án đã được triển khai thực hiện thành công, hoàn thành toàn bộ những mục tiêu phát triển được xác định trong văn kiện, cơ bản hoàn thành vượt mục tiêu thiết kế ban đầu, chỉ có hai chỉ số chưa đạt như mong muốn (tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ và số lượt khám chữa bệnh trạm y tế xã) do ảnh hưởng khách quan trên quy mô toàn quốc của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cả hai chỉ số này tại các tỉnh dự án đều được ghi nhận là cao hơn so với mức bình quân cả nước.

Toàn bộ các can thiệp cốt lõi của dự án (nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo cán bộ y tế, hỗ trợ chính sách, mô hình cung ứng dịch vụ y tế sáng tạo…) đều được thực hiện đạt và vượt mục tiêu mong muốn, trong đó nhiều can thiệp đã trở thành điểm sáng về kỹ thuật (như mô hình Bảng kiểm chất lượng áp dụng cho các trạm y tế xã; mô hình quản lý một số bệnh không lây nhiễm, quản lý dinh dưỡng tại y tế cơ sở), được đánh giá có nhiều tiềm năng mở rộng quy mô áp dụng trong thời gian tới.

Xét về thời gian thực hiện, dự án được hoàn thành đúng hạn định vào cuối năm 2024. Ngân hàng Thế giới đã đánh giá đây là dự án thực hiện tốt nhất trong số các dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Dự án mang lại những tác động tích cực tới cộng đồng dân cư địa phương, tới hệ thống y tế, nhất là mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh dự án, cũng như tới công tác xây dựng chính sách của Bộ Y tế. Những tác động này được cho là vừa có vai trò tạo động năng tức thời để đáp ứng các yêu cầu bức thiết, cấp bách đồng thời vừa có tiềm năng phát huy hiệu quả trong dài hạn.

Dự án về đích đúng tiến độ, “phần thưởng” cho cả cán bộ y tế và người dân thụ hưởng ảnh 2

Người dân xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị Yên tâm khi đưa con đến tiêm vaccine phòng bệnh tại trạm y tế xã.

Dự án giúp cải thiện sự tiếp cận của người dân, đặc biệt các nhóm dân cư dễ bị tổn thương tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, có chất lượng với chi phí thấp qua đó góp phần cải thiện thực trạng sức khỏe người dân. Số liệu theo dõi giám sát dự án sơ bộ cho thấy số lượt khám chữa bệnh tại các trạm y tế được dự án đầu tư được cải thiện.

Với việc đầu tư toàn diện (cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế…) đã giúp nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của mạng lưới y tế cơ sở. Thêm vào đó, các địa phương tham gia dự án cũng đã nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế, nhất là tính tự chủ, khả năng điều phối và thực hiện đồng bộ các can thiệp cốt lõi nhằm đổi mới mạng lưới y tế cơ sở.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách, dự án góp phần hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng chế độ chính sách cho cán bộ y tế tuyến huyện và xã; sửa đổi quy định về chuẩn quốc gia về y tế xã; xây dựng mô hình trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) tuyến tỉnh; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý nhân lực ngành y tế...

Một số can thiệp mang tính sáng tạo của dự án còn có vai trò thử nghiệm thực địa, mở đường, gợi ý cho việc hoàn thiện khung chính sách đối với y tế cơ sở trong thời gian tới, như việc chú trọng hoạt động sàng lọc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; đo lường chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; mở rộng không gian hợp tác với bên liên quan, bao gồm cả khối tư nhân nhằm cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu…