Ðông Vinh, địa bàn không ma túy


Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy quê lúa Thái Bình là địa phương đứng thứ bảy về số người nghiện ma túy trong cả nước. Trước thực trạng đó, Thái Bình có nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt với bọn tội phạm ma túy nhằm làm giảm số người nghiện. Trong đó việc phát động phong trào quần chúng xây dựng mô hình "Ðịa bàn không ma túy" được các cấp, các ngành rất quan tâm nhằm khoanh vùng, ngăn chặn không để có thêm người nghiện mới và địa bàn mới về ma túy. Theo đó tỉnh chủ trương: nếu xã chưa có ma túy thì chọn xã. Nếu xã, phường đã có ma túy thì chọn thôn, tổ dân phố, khu dân cư, dòng họ, họ giáo chưa có ma túy để xây dựng mô hình địa bàn không ma túy. Trong số 48 địa bàn của tỉnh được chọn xây dựng mô hình không có ma túy thì xã Ðông Vinh là đơn vị có nhiều kinh nghiệm và đạt hiệu quả cao nhất.

Từ đầu năm 2003, xã Ðông Vinh là đơn vị đầu tiên được Công an tỉnh Thái Bình chọn xây dựng địa bàn không có ma túy. Ðây là xã nằm giữa các xã Ðông Ðộng, Ðông Phong, Ðông Xuân và Ðông Các đều có người nghiện ma túy, trong đó xã Ðông Các có tới 108 người nghiện. Ðiều đó cho thấy việc bảo đảm cho địa bàn Ðông Vinh không có ma túy khó khăn đến mức nào.

Ðã thành nền nếp từ nhiều năm nay, mỗi khi có một chủ trương, cách làm mới, bao giờ Ðảng ủy xã Ðông Vinh cũng tổ chức thảo luận kỹ và xây dựng biện pháp thực hiện thật cụ thể. Ðối với việc xây dựng địa bàn không ma túy, Ðảng ủy ra nghị quyết và quán triệt đến các chi bộ, toàn thể đảng viên và nhân dân trong xã, tạo sự đồng tình và thống nhất cao trong hành động. Không có cuộc họp chi bộ nào lại không có nội dung kiểm điểm về tình hình ma túy, nghiện hút ở địa bàn cũng như trong khu vực các xã lân cận.  

Ðông Vinh có chín thôn. Ðảng ủy phân công đảng ủy viên phụ trách từng thôn và giao trách nhiệm cho các chi bộ chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm khu vực mình không có ma túy. UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương của Ðảng ủy và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình xã không có ma túy do đồng chí phó chủ tịch làm trưởng ban, các thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể, trong đó trưởng công an xã làm ủy viên thường trực. MTTQ và các tổ chức thành viên như Hội phụ nữ, Ðoàn thanh niên, Hội CCB, Hội nông dân, các trường học đều có chương trình hành động riêng.

Bí thư Đảng uỷ xã Phạm Hồng Thám nói với chúng tôi, tất cả mọi người dân trong xã ai cũng quan tâm lo lắng đến tệ nạn nghiện hút ma túy nhưng thật sự không biết phòng, chống thế nào cho hiệu quả. Ðúng lúc ấy thì có chủ trương của tỉnh về xây dựng địa bàn không ma túy. Thế là xã tôi đăng ký đầu tiên, tổ chức ngay lễ phát động và ký cam kết tại địa phương. Buổi lễ có đại biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, các ngành chức năng và hàng nghìn nhân dân, học sinh của chín thôn tham gia.

Sau lễ phát động, Ðông Vinh tổ chức cho từng gia đình ký cam kết với ban công an xã thực hiện quy ước về phòng, chống ma túy. Hàng chục rồi hàng trăm "Tổ tự quản nhân dân" (mỗi tổ có từ 5 đến 10 gia đình) ra đời với nhiệm vụ giáo dục người thân không tham gia các tệ nạn xã hội; đồng thời theo dõi, phát hiện tố giác bọn tội phạm ma túy và sẵn sàng làm chứng trong các vụ xử lý đối tượng buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Hằng ngày, mỗi khi người dân phát hiện được nơi nào có hiện tượng đánh bài ăn tiền hoặc có người lạ từ nơi khác về cư trú tại địa phương thì đều báo ngay cho cán bộ lãnh đạo xã. Tại trụ sở UBND xã và các trường học đều có hòm thư tố giác tội phạm hoặc hòm thư giúp bạn. Nhờ có tổ tự quản nhân dân và các hòm thư tố giác này mà Ðông Vinh vừa kịp thời phát hiện được các đối tượng cần theo dõi vừa giữ được tình làng, nghĩa xóm.

Giữa năm 2003, nhân dân Ðông Vinh phát hiện hai thanh niên tạm trú tại nhà ông Ðặng Văn Thuông ở thôn Tế Quan và nghi có nghiện ma túy. Lập tức Ban chỉ đạo giao cho đồng chí Trưởng công an xã xác minh vụ việc. Kết quả cho thấy hai thanh niên đó là Ðặng Huy Nam và Ðặng Huy Cường thường trú tại phường Trần Ðăng Ninh (Nam Ðịnh) nghiện ma túy nhưng trốn đi cai nghiện tập trung đã về nhà ông nội tạm trú. Sau khi cử đại diện của xã sang làm việc với phường Trần Ðăng Ninh và giải thích rõ với gia đình ông Ðặng Văn Thuông thông suốt chủ trương xây dựng xã không có ma túy thì gia đình đã đồng ý đưa Nam và Cường về Nam Ðịnh đi cai nghiện tập trung.

Tháng 7-2003, nhân dân xã Ðông Vinh còn phát hiện anh Phạm Văn Việt trú ở phường Lạch Tray (Hải Phòng) về tạm trú ở một gia đình thuộc thôn Ðồng Lang. Khi cán bộ xã đến điều tra thì anh Việt thú nhận có nghiện ma túy và xin được tạm trú tại địa phương để cai nghiện. Nhưng vì xã không có điều kiện cai nghiện cho nên đã yêu cầu anh Việt ra khỏi địa phương trở về nơi cư trú của mình trong sự giám sát của chính quyền và nhân dân Ðông Vinh.

Hằng năm, xã Ðông Vinh có hơn 500 người đi làm ăn ở tỉnh ngoài. Ban chỉ đạo giao cho công an xã thường xuyên nhắc nhở mọi người không được sa vào ma túy và các tệ nạn xã hội khác trong lúc xa gia đình. Mỗi khi người lao động đến xin giấy tạm vắng, chính quyền địa phương yêu cầu họ phải ký cam kết không mắc tệ nạn xã hội và không đem tệ nạn về địa phương. Ðồng thời không quên nhắc nhở gia đình dặn dò người thân giữ gìn sức khỏe và tránh xa những việc làm có hại. Khi trở về gia đình thì tổ tự quản có trách nhiệm giám sát, báo cáo cho trưởng thôn và công an xã biết mọi diễn biến của tình hình.

Các hội viên cựu chiến binh ở các thôn Ðồng Lang, Tế Quan và Văn Ông Trung phân công quản lý giúp đỡ ba học sinh lười học, hay chơi bời trở thành những người tích cực lao động và học tập tốt. Ðoàn thanh niên thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi và văn hóa, thể dục thể thao, nhất là trong các dịp hè nhằm không để đoàn viên thanh niên sa vào những tệ nạn xã hội đáng tiếc. Hội phụ nữ xã thường xuyên mở các lớp truyền thông về tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy cho hơn 200 hội viên trong xã. Trong đó chi hội thôn Ðồng Hải đã giúp đỡ con chị Nguyễn Thị Hợi từ bỏ những thói xấu, trở thành người lao động tốt.

Sau hơn một năm phát động xây dựng địa bàn không có ma túy, Ðông Vinh đến nay vẫn chưa phát hiện có người nghiện và không khí phòng ngừa, đấu tranh chống ma túy ở địa phương vẫn sôi động như những ngày đầu. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn luôn được giữ vững. Những kinh nghiệm của Ðông Vinh về xây dựng địa bàn không ma túy chỉ là bước đầu. Muốn có cuộc sống bình yên thì bản thân mỗi người, mỗi gia đình và mỗi địa phương phải thật sự cảnh giác và chủ động phòng, chống tệ nạn ma túy. Ðây phải là việc làm thường xuyên và kiên quyết của toàn xã hội thì các địa bàn không ma túy mới được giữ vững và mở rộng.