Đồng Nai tìm giải pháp thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội

NDO - Trong 9 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu của tỉnh Đồng Nai không đạt trong năm 2023 có 5 chỉ tiêu kinh tế quan trọng. Do đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 14 (khóa 11) vào ngày 6/12, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội trong năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo đánh giá, năm 2023, trong 60 chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai đề ra, có 51 chỉ tiêu đạt và vượt, 9 chỉ tiêu không đạt. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 5,3% so cùng kỳ, thấp hơn nhiều so mục tiêu từ 7,5-8,5%; thu ngân sách cả năm ước thực hiện hơn 58 nghìn tỷ đồng, đạt 94% so dự toán được giao; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 139 triệu đồng, mục tiêu từ 145-150 triệu đồng;

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 97/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 30 khu dân cư kiểu mẫu, huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới nâng cao.

Đối với công tác xây dựng Đảng, trong năm đã kết nạp được 2.683 đảng viên mới, đạt tỷ lệ 101,4% so với tổng số chỉ tiêu giao năm 2023, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh là 88.480 đồng chí.

Công tác kiểm tra, giám sát được tập trung chỉ đạo, đã triển khai thực hiện, có 17 tổ chức Đảng bị thi hành kỷ luật, tăng 11 tổ chức Đảng; 466 đảng viên bị thi hành kỷ luật, giảm 0,04%.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, năm 2023, kinh tế của Đồng Nai tăng trưởng thấp hơn so một số tỉnh trong vùng. Do đó, đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận, tìm ra giải pháp để phát triển mạnh kinh tế của tỉnh trong năm 2024 và thời gian tới.

Ngoài ra, đối với dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội bền vững, có ý nghĩa quan trọng, gắn với quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên cần tập trung thảo luận, góp ý kiến để triển khai thực hiện hiệu quả.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia thành các tổ tập trung phân tích những mặt hạn chế, tồn tại, đó là: Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững; một số dự án trọng điểm triển khai còn chậm, nhiều vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng; hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc thiếu đất để thu hút nhà đầu tư, chưa thu hút được các dự án lớn phát triển công nghiệp; chuyển dịch mô hình kinh tế theo chiều sâu chậm; tình trạng vi phạm quy định về quy hoạch, đất đai, xây dựng, ô nhiễm môi trường ở một số địa phương xảy ra nhiều, nhất là ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tái chế chất thải, cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ...

Các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về một số mục tiêu năm 2024 và đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội bền vững.