Tuy nhiên, tỉnh cũng đang phải đối diện nhiều thách thức mới nảy sinh, rất cần những giải pháp chủ động, linh hoạt hơn để phát triển bền vững.
Đồng Nai đang có xu hướng chuyển dịch rất rõ nét, tập trung thu hút đầu tư chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động. Với chiến lược này, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp sinh thái, công nghiệp xanh theo xu hướng toàn cầu.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nhìn nhận: “Việc phát triển nhanh các khu công nghiệp (KCN) thời gian qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Song, sự gia tăng đột biến số lượng lao động nhập cư đã dẫn đến tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội. Tổng số lao động làm việc trong 31 KCN trên địa bàn tỉnh lên tới hơn 618 nghìn người, trong đó hơn 50% là lao động ngoài tỉnh. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở cho công nhân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động làm việc trong các KCN đạt kết quả rất thấp”.
Vấn đề bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững cũng đang là thách thức lớn đối với Đồng Nai. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, quỹ đất còn lại trong các KCN của tỉnh hiện không nhiều, nhất là tại các địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp như: thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch,...
Thời gian gần đây, một số thương hiệu lớn trên thế giới áp dụng công nghệ cao muốn vào đầu tư, nhưng tỉnh không còn quỹ đất xứng tầm để giới thiệu. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng, số lượng vốn FDI. Minh chứng rõ nhất, năm 2022, lần đầu trong hơn một thập kỷ, Đồng Nai rớt khỏi Tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Nhằm tạo thêm quỹ đất phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Đồng Nai đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng đối với các KCN đã thành lập với mục tiêu nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng và kêu gọi đầu tư, lấp đầy diện tích còn trống.
Thời gian gần đây, một số thương hiệu lớn trên thế giới áp dụng công nghệ cao muốn vào đầu tư, nhưng tỉnh không còn quỹ đất xứng tầm để giới thiệu. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng, số lượng vốn FDI. Minh chứng rõ nhất, năm 2022, lần đầu trong hơn một thập kỷ, Đồng Nai rớt khỏi Tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Đối với các KCN đang chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, tỉnh yêu cầu phải có quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng,... Tỉnh xác định kiên trì định hướng thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, sử dụng công nghệ cao, không thâm dụng lao động, đồng thời tích cực hỗ trợ các công ty kinh doanh hạ tầng xây dựng KCN sinh thái, phát triển công nghiệp xanh theo xu hướng toàn cầu.
Phó Trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường khẳng định, nhiều năm nay tỉnh không thu hút đầu tư ồ ạt như trước, mà cân nhắc, chọn lọc các dự án đầu tư áp dụng công nghệ mới, ít phát sinh chất thải. Những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tỉnh kiên quyết từ chối.
Cùng với đó, Đồng Nai tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Đối với các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, tỉnh yêu cầu phải bảo đảm diện tích cây xanh tối thiểu; mở rộng và nâng cấp hệ thống xử lý chất thải theo nhu cầu của doanh nghiệp; giám sát chặt chẽ tỷ lệ nước thải so với nước cấp để ngăn ngừa hành vi lén lút xả thải. Tất cả 31 KCN đang hoạt động đều có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn; trong đó, 25 KCN được đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm 100% nước thải được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Để phát triển bền vững
Đường bên trong khu công nghiệp Amata Biên Hòa nhiều cây xanh. (Ảnh: Thiên Vương) |
Năm 2020, Amata Biên Hòa là một trong ba KCN đầu tiên của cả nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn để xây dựng mô hình thí điểm KCN sinh thái kiểu mẫu theo hướng toàn cầu.
Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa chia sẻ: KCN này được hình thành từ năm 1994, hiện đã lấp đầy toàn bộ diện tích 513ha. Sau hơn 28 năm kinh nghiệm, Amata Biên Hòa muốn cải tiến, nâng cao chất lượng, hướng đến KCN sinh thái phát triển bền vững.
Vì vậy, việc được lựa chọn xây dựng KCN sinh thái kiểu mẫu là vinh dự, đồng thời cũng đặt ra thách thức rất lớn. Bởi, bốn yếu tố chính được khảo sát, đánh giá để trở thành KCN sinh thái gồm: Quản lý KCN, môi trường, cộng đồng xã hội và kinh tế; trong đó, Amata đang gặp trở ngại lớn nhất ở vấn đề môi trường và xã hội.
“Đối với môi trường, chúng tôi phải tận dụng và quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế phát thải, nên rất cần cơ quan quản lý ban hành chính sách cho phép tái sử dụng nước thải với sự bảo đảm về chất lượng và được tự chủ trong việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời”, ông Surakij Kiatthanakorn nói.
Về cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương yêu cầu phải xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN, đây là những giá trị có tính bền vững, hy vọng sớm được áp dụng trong thực tiễn. Thực tế, việc áp dụng KCN sinh thái thông minh, bền vững sẽ dễ dàng hơn đối với Amata tại hai KCN đang xây dựng mới là Amata Long Thành (Đồng Nai) có diện tích 410ha và Amata City Hạ Long (Quảng Ninh) quy mô 713ha.
Tại KCN Amata Biên Hòa, Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia 100% vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất, lắp ráp động cơ, máy phát điện ứng dụng công nghệ cao là một trong số doanh nghiệp điển hình.
Giám đốc công ty Nguyễn Phước Hiếu cho biết: “Chúng tôi cho rằng, muốn phát triển xanh, bền vững, việc đầu tiên là nâng cao ý thức cho cán bộ, nhân viên, cần luôn khuyến khích nhân viên trồng nhiều cây xanh tại khuôn viên nhà xưởng, giúp họ hiểu được khái niệm xanh, bền vững.
Khi khách hàng vào nhà máy, sẽ cảm nhận được không khí thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tiếp đó, chúng tôi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm sức lao động, nâng hiệu suất như các quốc gia tiên tiến. Chẳng hạn, công ty áp dụng kỹ thuật, công nghệ thu hồi toàn bộ nhiệt lượng phát ra của nhà máy để phục vụ lại chính hoạt động sản xuất”. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là mục tiêu phát triển lâu dài mang tính bền vững của tỉnh.
Tỉnh đang tiếp tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện các KCN sinh thái, phát triển xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Amata Biên Hòa xây dựng KCN sinh thái kiểu mẫu. Nếu thành công sớm, mô hình này sẽ nhanh chóng được nhân rộng ra các KCN khác trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết: Để công nghiệp tiếp tục là ngành chủ lực, dẫn dắt các ngành kinh tế khác trên địa bàn, không còn con đường nào khác là phải thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những dự án có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, mang lại giá trị gia tăng cao nhất.
Đây là nhân tố để phát triển theo chiều sâu, tạo nên sự thịnh vượng cho xã hội, chất lượng cuộc sống vượt trội so với trước đây. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của Đồng Nai khi phát triển công nghiệp và kinh tế nói chung theo chiều sâu chính là làm sao để đào tạo một lực lượng lớn lao động có tay nghề cao, có tri thức để đủ khả năng làm việc tại các dự án có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng những mục tiêu chiến lược trong tương lai mà tỉnh đã đề ra.