Động lực mới từ “Thành phố học tập toàn cầu”

Thành phố Hồ Chí Minh xác định danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu” được UNESCO công nhận không chỉ là mục tiêu đạt được, mà còn là điểm khởi đầu cho những chương trình hành động tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố sẵn sàng cho hành trình hướng tới một tương lai mà mỗi công dân đều là một công dân số, một công dân học tập toàn cầu.

Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1,6 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, chiếm 80%; có hơn 1.000 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, chiếm hơn 99%, và hơn 10.300 người được công nhận danh hiệu “Công dân học tập”.

Xây dựng môi trường học tập mở

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Thành phố Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa, triển khai xây dựng Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”.

Trong đó, tập trung ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, thành phố không ngừng cải tiến và đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, từ mầm non đến đại học, từ trường học đến cộng đồng; thực hiện đồng bộ từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng đến việc triển khai các chương trình học tập đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi và nhu cầu học tập của người dân.

Tất cả điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tạo ra cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, học tập thường xuyên. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, hiện quy mô trường lớp ở thành phố đã được phủ khắp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức với gần 5.730 cơ sở giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học.

Tại Lễ vinh danh Thành phố Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu vừa mới diễn ra, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đánh giá cao việc trở thành thành viên chính thức Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Và xem đây là cơ hội cho tất cả người dân và chính quyền thành phố tiếp tục đề ra các chương trình hành động để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc gia có thể tiếp tục học hỏi; đồng thời, tạo ra một môi trường học tập mở, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số. Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định cam kết của thành phố đối với việc học tập suốt đời và phát triển bền vững.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, với tư cách là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, thành phố sẽ nỗ lực không ngừng để bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội học tập và phát triển; cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và xây dựng môi trường học tập tốt hơn cho tất cả mọi người.

Thành phố đã sẵn sàng cho hành trình hướng tới một tương lai mà mỗi công dân đều là một công dân số, một công dân học tập toàn cầu. Không chỉ cùng nhau xây dựng một thành phố học tập, một cộng đồng học tập, một xã hội học tập, thành phố và bạn bè trong hệ thống thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu cùng đồng lòng, chung tay xây dựng một thế giới học tập, phát triển bền vững.

Nhiều sáng tạo phát triển giáo dục

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, UNESCO đánh giá cao việc thành phố đã thực hiện các chương trình hành động để thúc đẩy văn hóa học tập, góp phần đạt các mục tiêu về giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người.

Đồng thời, ông nhận định, thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để ứng dụng các phương thức đổi mới, có nhiều tiềm lực về ý tưởng và sức sáng tạo trong giáo dục và đào tạo. Một trong những sáng kiến gần đây của thành phố được đánh giá cao là việc xây dựng và phê chuẩn bộ tiêu chí về mô hình “Trường học hạnh phúc”. Đây sẽ là trọng tâm của đổi mới giáo dục, đặt hạnh phúc là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng học tập.

Sau khi trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, Thành phố Hồ Chí Minh phát động triển khai thực hiện Chương trình hành động xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024-2030”.

Theo đó, thành phố phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ và huy động nguồn lực để thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho người dân sống trên địa bàn thành phố; tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng thành phố học tập và xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi công dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, thành phố xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động thực hiện xây dựng thành phố học tập, học tập suốt đời. Đó là việc tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng thành phố học tập, xã hội học tập; hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện hiệu quả chương trình hành động, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập.

Công tác triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập phải gắn với triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập, xây dựng phần mềm quản lý và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO...