Động đất liên tiếp tại Kon Tum do nguyên nhân gì và có nguy hiểm không?

NDO - Tính từ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tới nay, đã có 14 trận động đất có độ lớn trên 2,5 tại huyện Kon Plông (Kon Tum). Cá biệt, ngày 9/2 đã có tới 5 trận động đất liên tiếp tại khu vực này. Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, động đất ở khu vực này là hiện tượng động đất kích thích do các hồ chứa thủy điện gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: ndtv.com/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: ndtv.com/TTXVN)

Hàng loạt trận động đất sau Tết

Trước đó, như Báo Nhân Dân đã đưa tin, trong nhiều ngày qua, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu đã liên tục đưa ra các thông báo động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum).

Điển hình, vào 9 giờ 10 phút ngày 4/2, tại huyện Kon Plông đã xảy ra 1 trận động đất có độ lớn 3,0; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,8km. Tiếp đó, tới ngày ngày 5/2 đã xảy ra liên tiếp 2 trận động đất. Trận thứ nhất xảy ra vào lúc 0 giờ 20 phút có độ lớn 2,7. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8km. Trận thứ hai xảy ra vào lúc 8 giờ 29 phút với độ lớn 3,1.

Động đất liên tiếp tại Kon Tum do nguyên nhân gì và có nguy hiểm không? ảnh 1

Khu vực huyện Kon Plông, nơi liên tiếp xảy ra các trận động đất vừa qua. (Ảnh: Google Earth)

Ngày 7/2, Viện Vật lý địa cầu tiếp tục ghi nhận thêm 3 trận động đất với độ lớn khác nhau. Cá biệt, ngày hôm qua, 9/2, có 5 trận động đất tiếp tục được ghi nhận với độ lớn từ 2,8 đến 3,4.

Trận động đất lớn nhất có độ lớn 3,4 xảy ra vào lúc 11 giờ 3 phút tại vị trí có tọa độ 14.962 độ Vĩ Bắc, 108.165 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận động đất nhỏ nhất có độ lớn 2,8 xảy ra ngay sau đó vào lúc 11 giờ 29 phút tại vị trí có tọa độ 15.026 độ Vĩ Bắc, 108.186 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Như vậy, tính từ sau Tết Nguyên đán 2023, động đất đã xảy ra dồn dập tại huyện Kon Plông, Kon Tum với độ lớn dao động từ 2,5-3,6. Từ một khu vực không có nhiều động đất trong lịch sử (theo số liệu lưu trữ thì từ năm 1903-2020 thì tại khu vực này mới chỉ có hơn 33 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9), tuy nhiên từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại địa phương này cũng như các huyện lân cận, trong đó có nhiều trận động đất gây rung chấn diện rộng, lớn nhất là trận động đất xảy ra chiều 23/8/2022 với độ lớn 4,7.

Động đất liên tiếp tại Kon Tum do nguyên nhân gì và có nguy hiểm không? ảnh 2

Vị trí tâm chấn trận động đất tại Kon Tum sáng 9/2. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Liên quan đến hiện tượng kể trên, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.

“Trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, động đất xảy ra liên tục tại địa phương này. Qua quan trắc, bước đầu chúng tôi đánh giá nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa”, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khẳng định.

Cụ thể, theo ông Xuân Anh, động đất có thể được phân làm 2 loại là: Có nguồn gốc tự nhiên và do hoạt động của con người. Động đất tự nhiên hình thành do quá trình tích lũy năng lượng phát sinh bởi các đứt gãy kiến tạo hoặc ở vùng có phun trào núi lửa… tạo nên. Trong khi đó, động đất kích thích do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân.

“Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước…”, ông Xuân Anh giải thích thêm.

Động đất tại Kon Tum có nguy hiểm không?

Về tần suất động đất nhiều tại Kon Plông, chuyên gia cho rằng: Hiện tượng động đất kích thích này tương tự đã từng xuất hiện tại Thủy điện sông Tranh năm 2012 và đến nay vẫn còn động đất ở đây. Các trận động đất lớn thường kèm theo tiền chấn và dư chấn nên động đất sẽ thường xuất hiện theo chuỗi.

“Các trận động đất vừa qua đều có độ lớn nhỏ hơn 4, tức là ở mức độ nhẹ và không có khả năng gây ra thiệt hại”, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khẳng định.

Mặc dù vậy, ông Xuân Anh lưu ý, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và độ lớn của chúng trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện vẫn cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Động đất liên tiếp tại Kon Tum do nguyên nhân gì và có nguy hiểm không? ảnh 3

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa Cầu

Từ thực trạng, nguyên nhân ban đầu nói trên, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị thiết lập các mạng trạm quan sát động đất địa phương tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời.

Bên cạnh đó, ông Xuân Anh cũng cho biết Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiến hành tổ chức “Tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận” nhằm ứng phó và giảm thiểu thiệt hại khi động đất xảy ra trong năm 2022. Các lớp tuyên truyền này góp phần thiết thực cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận để tránh bất ngờ và giúp ứng phó tốt hơn nếu có sự cố xảy ra.

Về nguy cơ động đất lớn có thể xảy ra tại Việt Nam, ông Xuân Anh cho biết: Hoạt động động đất tại Việt Nam không mạnh bằng ở các nước nằm trong ranh giới các mảng có quy mô châu lục. Tuy nhiên, trong lịch sử đã từng ghi nhận 3 trận động đất mạnh tại tỉnh Điện Biên. Ba trận động đất mạnh ghi nhận tại Việt Nam là trận động đất có độ lớn 6,9 tại lòng chảo Điện Biên (năm 1935), trận động đất có độ lớn 6,7 tại thị trấn Tuần Giáo (năm 1983) và trận động đất có độ lớn 5,3 tại thành phố Điện Biên Phủ năm 2001.

Động đất liên tiếp tại Kon Tum do nguyên nhân gì và có nguy hiểm không? ảnh 4

Tại Tuần Giáo, Điện Biên đã từng xảy ra trận động đất có cường độ 6,7. (Ảnh: Google Earth)

“Trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là cần thiết, vài năm cần được cập nhật phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.

Việc dự báo thời điểm chính xác xảy ra động đất thì cho đến nay khoa học chưa làm được, nhưng việc đánh giá mức độ nguy hiểm động đất (độ lớn cực đại, tần suất…) cho từng khu vực cụ thể thì có thể làm được và trên cơ sở đó, đưa ra phương án, mức độ kháng chấn phù hợp. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng các công trình”, ông Xuân Anh nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo các công trình lớn nên tiến hành quan trắc, đánh giá nguy hiểm của động đất trước khi xây dựng, kể cả đánh giá hiện tượng động đất kích thích. Ngoài ra, người dân cũng cần chủ động tìm hiểu để bảo đảm công trình xây dựng dân dụng đúng theo quy định kháng chấn.

“Động đất là hiện tượng thiên tai, khi xảy ra có thể gây thiệt hại lớn. Do đó, công tác phòng chống động đất cần được rà soát thực hiện hằng năm theo đúng quy định của Chính phủ”, ông Xuân Anh kết luận.

Việt Nam có nguy cơ sóng thần thế nào?

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, bên cạnh động đất, Việt Nam cũng có nguy cơ đối diện với sóng thần. Đầu tiên là nguy cơ sóng thần xuất hiện sau các trận động đất lớn tại Philippines với thời gian lan truyền khoảng 2 tiếng nên có thời gian cảnh báo sớm. Ngoài ra, do gần bờ biển Việt Nam cũng có những đứt gãy đang hoạt động nên sóng thần cũng có khả năng được hình thành với thời gian lan truyền nhanh hơn so với từ Philippines. Với các đứt gãy này, cần có các nghiên cứu cụ thể để đưa ra các kịch bản sóng thần sát thực tế.