Thư pháp và Graffiti đi tìm sự “đồng cảm”

NDO -

Ngày 13/5, tại khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức Tọa đàm “Thư pháp và Graffiti: Từ khác biệt đến đồng cảm”.

Trình diễn thư pháp trước tọa đàm “Thư pháp và Graffiti: Từ khác biệt đến đồng cảm”.
Trình diễn thư pháp trước tọa đàm “Thư pháp và Graffiti: Từ khác biệt đến đồng cảm”.

Tọa đàm được dẫn dắt bởi thạc sĩ, dịch giả Trương Quốc Toàn, chuyên gia thư pháp Nguyễn Thanh Tùng, người có nhiều nỗ lực đưa nghệ thuật graffiti đến Việt Nam, là quản trị Fanpage Group Graffiti Việt Nam và nghệ sĩ đa phương tiện và giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Quốc Hoàng Anh.

Thư pháp vốn là một loại hình nghệ thuật lâu đời của phương Đông. Xưa kia, vốn chủ yếu dành cho các bậc trí thức, đam mê văn chương. Trong khi đó, graffiti đại diện cho trào lưu văn hóa trẻ du nhập từ phương Tây, gắn liền với văn hóa hip-hop. 2 loại hình nghệ thuật có rất nhiều khác biệt. Tuy nhiên, lại có những điểm chung nhất định. “Graffiti” là một từ bắt nguồn từ chữ “graphein” trong tiếng Hy Lạp - có nghĩa là viết. Sau này, trở thành từ “graffito” trong tiếng La-tinh, có nghĩa là “hình vẽ trên tường”, tên gọi chung cho những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu cách trên các bức tường ở các đường phố, khu phố và được vẽ bằng sơn, sơn xịt hoặc đánh dấu bằng thứ vật liệu bất kỳ lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng. 

Các chuyên gia đã trao đổi những góc nhìn khác nhau về 2 loại hình nghệ thuật tưởng như đối lập này. Song, nếu gạt góc nhìn định kiến sang một bên, thì Thư pháp và Graffiti là 2 loại hình nghệ thuật có nhiều điểm tương đồng, chẳng hạn như hình họa, cách thể hiện đòi hỏi trí tưởng tượng rất cao và đều mang trong mình sứ mệnh truyền tải những thông điệp nhất định. Các chuyên gia cũng làm rõ hơn nghệ thuật graffiti trước những hiểu lầm là một kiểu “vẽ bậy” trên tường của thanh, thiếu niên như không ít người vẫn nghĩ.

Từ sự khác biệt đi tới sự “đồng cảm”, tọa đàm là khởi đầu cho một dự án sáng tác và trưng bày về thư pháp kết hợp với graffiti sẽ được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức trong thời gian tới. Đây sẽ là dự án có tính đột phá, lần đầu tiên có sự kết hợp giữa 2 loại hình nghệ thuật. Một bên là nghệ thuật truyền thống của phương Đông, một bên là sự trẻ trung, có phần “nổi loạn” đến từ phương Tây.