“Thiên mệnh anh hùng” bội thu, Cánh diều thất bát

NDO - NDĐT - Giải thưởng duy nhất trong năm được trao cho Victor Vũ, đạo diễn Việt kiều với bộ phim từng được BGK LHP quốc tế Hà Nội đánh giá cao cuối năm 2012 “Thiên mệnh anh hùng”. Không chỉ vậy, anh còn rinh tiếp giải Đạo diễn xuất sắc nhất và cùng với “Scandal” giành thêm giải Nam, nữ diễn viên xuất sắc nhất, giải Âm thanh và giải Báo chí, Phê bình…
“Thiên mệnh anh hùng” bội thu giải Cánh diều vàng. Ảnh: Internet.
“Thiên mệnh anh hùng” bội thu giải Cánh diều vàng. Ảnh: Internet.

Victor Vũ là đạo diễn duy nhất có tới hai phim tham dự giải Cánh diều vàng. Tuy nhiên, lý do không phải chỉ vì phim của anh quá xuất sắc hay nổi bật mà còn vì năm nay các hãng phim khá thờ ơ với giải thưởng này.

Theo ban tổ chức: “Chúng tôi đã gửi giấy mời, thuyết phục rất nhiều, nhưng một số nhà sản xuất phim vẫn không trả lời, không tham gia Cánh diều vàng 2012. Không hiểu giải thưởng này có gì khiến họ e ngại hay tự ti về phim của mình với những sự khen chê của dư luận? Chúng tôi đang so bó đũa chọn cột cờ bởi số lượng phim có hạn”. Có lẽ đó là lý do lớn nhất khiến cho giải Cánh diều năm nay trở nên thụt lùi so với năm trước vốn đã có không ít điều tiếng về chất lượng.

Phim “Scandal” của Victor Vũ, với tên tiếng Việt là “Bí mật thảm đỏ” giành giải Báo chí, Phê bình dành cho tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất, cùng với giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Maya, ca sĩ – diễn viên. Đây là giải khá gây bất ngời bởi “Scandal” đơn thuần chỉ là phim giải trí, lấy mô típ là những chuyện đen tối phía sau vẻ đẹp hào nhoáng của màn bạc, dựa trên một số vụ lùm xùm của giới showbiz trong thời gian vừa qua, thêm thắt vào đó một số chi tiết kỳ bí, giật gân.

“Thiên mệnh anh hùng”, cũng là một phim giải trí của Victor Vũ, với câu chuyện hư cấu về hậu duệ cuối cùng của Nguyễn Trãi, giành khá nhiều giải thưởng, cả về diễn xuất và kỹ thuật. Trong lễ trao giải, việc “Thiên mệnh anh hùng” giành giải Cánh diều vàng dành cho phim truyện xuất sắc nhất không khó đoán, bởi sau khi ban tổ chức giới thiệu ba đề cử, hai đề cử còn lại là “Lấy chồng người ta” của đạo diễn Lưu Huỳnh và “Lạc lối” của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đều lần lượt được xướng tên trong danh sách trao Bằng khen và giải Cánh diều bạc. Điều duy nhất gây ngạc nhiên là một bộ phim thương mại, giải trí, mặc dù được làm rất chuyên nghiệp và hiện đại, lại được trao giải thưởng cao nhất của Hội Điện ảnh – một giải thưởng đáng ra phải chọn lựa những phim có giá trị nghệ thuật cao để tôn vinh. Nếu đây là một năm bội thu của Victor Vũ và “Thiên mệnh anh hùng”, thì ngược lại, có lẽ là một năm khá thất bát cho Cánh diều.

Ngoài giải Phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất, “Thiên mệnh anh hùng” còn nhận giải Quay phim xuất sắc nhất dành cho Nguyễn K’ Linh, giải Âm thanh cho Trần Đức Duy và Trần Anh Khoa, giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Huỳnh Đông (vai Nguyên Vũ).

Cũng trong hạng mục Phim xuất sắc nhất này, có 11 phim dự thi thì tới hơn nửa số này đoạt giải, gồm có “Lấy chồng người ta”, “Cát nóng”, “Nhà có 5 nàng tiên”, “Scandal” được trao Bằng khen, “Lạc lối” giành Cánh diều bạc, cùng với Cánh diều vàng cho “Thiên mệnh anh hùng”. Ở một số hạng mục khác, có ba đề cử thì cả ba cùng đoạt giải, hai bạc và một vàng…

Giải thưởng Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất được trao cho Hứa Vĩ Văn trong bộ phim “Đam mê”, một phim cũng không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, khá hời hợt về nội dung, còn diễn xuất của Hứa Vĩ Văn trong phim cũng chỉ ở mức tròn vai, mặc dù anh đã có rất nhiều cố gắng để thoát khỏi những vai diễn đẹp đẽ, tròn trĩnh thường thấy. Xem “Đam mê”, dễ nhận ra rằng một diễn viên phụ khác là Quý Bình diễn xuất cũng rất xuất sắc, nếu không nói là nổi trội và gây ấn tượng hơn vai diễn của Hứa Vĩ Văn.

Có lẽ chỉ có giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Đinh Y Nhung trong “Lấy chồng người ta” còn có sức thuyết phục. Chị vốn là vợ của đạo diễn Lưu Huỳnh, người dân tộc H’re, đã thể hiện xuất sắc nhân vật Lụa với những diễn biến nội tâm phức tạp…

Không chỉ gây bất ngờ ở phần phim điện ảnh, phần trao giải cho phim truyện truyền hình cũng gây ngạc nhiên không kém khi trao giải Cánh diều vàng cho “Thái sư Trần Thủ Độ”, một bộ phim được làm chào mừng 1.000 năm Thăng Long và “mất tích” luôn từ đó tới giờ. Đến mức, nhà sản xuất Tất Bình khi lên nhận giải đã cám cảnh thốt lên “Tôi hy vọng giải thưởng này là động lực giúp cho “Thái sư Trần Thủ Độ” sớm được lên sóng truyền hình”. Điều đó có nghĩa là chưa một khán giả nào được thưởng thức bộ phim này và biết được nó hay dở ra sao. “Thái sư Trần Thủ Độ” cũng giành giải Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất cho Đào Duy Phúc -  vị đạo diễn cho đến bây giờ vẫn chưa biết được số phận đứa con tinh thần của mình sẽ ra sao - cùng giải biên kịch xuất sắc nhất cho tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn.

Giải thưởng Nam, Nữ diễn viên xuất sắc nhất của phim truyền hình được trao cho Quý Bình (phim “Bước qua bóng tối”) và Huệ Minh (phim “Chiến hạm nổ tung”).

Một số giải thưởng khác: giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất được trao cho “Bò vàng” của đạo diễn Trần Khánh Duyên, Phim ngắn: “Chiếc hộp Vandora” của Đặng Việt Đức. Thể loại phim tài liệu điện ảnh và truyền hình không có giải vàng mà chỉ có giải bạc. Phim khoa học hay nhất thuộc về “Những gia đình ở Tràm Chim” của đạo diễn Hoài Nam.

Cũng lại không giống như mọi năm, năm nay giải Cánh diều vàng được thu hẹp lại, không phát sóng trên VTV mà chỉ phát sóng trên HTV7, tổ chức tại trường quay của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ trao giải được tổ chức có vẻ đơn giản, nhưng lại thiếu trang trọng khi các diễn viên, người mẫu ăn mặc khá “cởi mở” đi bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh, tóc bạc phơ lên công bố giải thưởng.

Thông tin báo chí cũng như họp báo đều diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, khán giả cũng không được giao lưu với các nghệ sĩ và xem phim rộng rãi như giải Cánh diều cũng tổ chức tại đây năm 2010.

Phải chăng, cho đến lúc này, không chỉ các hãng phim thờ ơ với Cánh diều?