Nghe vĩ cầm ở làng Then

NDO - NDĐT- Sau một ngày mưu sinh nhọc nhằn, những người nông dân làng Then (Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang) lại trở về nhà. Sau bữa cơm tối, tiếng đàn “quý tộc” lại vang lên trong không gian tịch mịch.
Một buổi tập đàn của ban nhạc làng Then- Ảnh THƯỜNG MINH
Một buổi tập đàn của ban nhạc làng Then- Ảnh THƯỜNG MINH

Trót “nổi tiếng” qua cuộc thi VietNam Gottalent 2012, bây giờ họ không chỉ chơi đàn vì niềm đam mê mà còn tập những bản nhạc khó hơn để biểu diễn. Nhiều lời mời khiến những người nông dân chơi violin trở lên bận rộn...

Cách thành phố Bắc Giang gần chục cây số, làng Then bình dị như bao ngôi làng nông thôn đồng bằng Bắc bộ, như một “bức tranh quê” mà nữ sĩ Anh Thơ đã vẽ trong bài thơ cùng tên.

Sẽ chẳng ai biết đến làng Then nếu ở đây không có tiếng đàn violin (vĩ cầm) hằng tối vẫn vang lên đầy mê đắm. Đó là chuyện trước kia, chứ còn bây giờ, nếu tìm trên mạng Internet sẽ cho hơn 3,17 triệu kết quả về làng Then. Nơi đây đã trở thành một trong những ngôi làng “nổi tiếng” nhất Việt Nam, là ngôi làng duy nhất cả nước có những người nông dân biết chơi đàn vĩ cầm.

Ông Nguyễn Quang Khoa, một trong những truyền nhân đời thứ hai của vĩ cầm làng Then kể lại lai lịch xuất hiện của cây đàn quý tộc trong ngôi làng thuần nông này. Đó là vào những năm 50 của thế kỷ trước, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sơ tán khỏi Hà Nội và có thời gian ở tại làng Then. Những người nông dân suốt ngày chỉ biết có cây lúa củ khoai nào có bao giờ nhìn thấy chiếc đàn bỗng như bị hút hồn bởi thanh âm quý phái của nó.

Vậy là một vài chàng thanh niên mon men theo ban nhạc học lỏm. Những nhạc công của Dàn nhạc hồi đó cũng rất nhiệt tình chỉ dạy. Sự say mê và khả năng cảm nhận âm nhạc của những nông dân làng Then khiến những lãnh đạo và nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng bất ngờ, để rồi lúc rời đi, họ đã tặng lại dân làng mấy cây đàn cũ làm kỷ niệm. Như một định mệnh, cây vĩ cầm và tiếng đàn đã gắn bó với dân làng hơn nửa thế kỷ qua. Nửa thế kỷ thế cuộc biết bao thăng trầm nhưng tiếng vĩ cầm không lúc nào ngưng dưới bóng tre nơi làng quê yên bình này.

Cụ Nguyễn Hữu Đưa, người đầu tiên học được cách chơi vĩ cầm, cũng là “sư phụ” của bao lớp trai trẻ làng Then bồi hồi nhớ lại kỷ niệm biểu diễn mừng Đại hội Đảng thống nhất năm 1976.

“Lúc đó chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ, tập hợp lại những anh em biết chơi trở về sau cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Hình như chỉ còn khoảng 5-6 người thôi nhưng mọi người vẫn quyết khôi phục lại ngón đàn đã thành truyền thống của làng. Từ đó, tiếng vĩ cầm làng Then mới được biết đến nhiều hơn, chúng tôi được đi nhiều nơi, biểu diễn cho nhiều người được họ khen lắm.”

Kinh ngạc nữa, vì người ta không thể hiểu được tại sao mấy anh nông dân chân tay lấm lem bùn đất mà chơi được cái loại đàn quý tộc ngon lành thế. Thậm chí còn dùng cả đàn ấy mà chơi các bản nhạc dân ca như quan họ, chèo cổ. Đến mấy ông chuyên gia violin còn phải chắp tay bái phục vì không thể tách cái vĩ cầm ra khỏi dàn nhạc mà chơi nhiều thể loại như chúng tôi”. Như để chứng minh, cụ Đưa, cụ Nguyễn, cụ Đào, ba người còn lại trong số những nhạc công ngày ấy, lựa phím vĩ cầm "đi" một đoạn "Tiến về Sài Gòn". Tiếng đàn vẫn nuột nà như thể không phải các cụ đang ở cái tuổi cổ lai hi...

Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu, nếu tính giá trị một cây vĩ cầm hiện nay khoảng gần chục triệu đồng, lão nông nào muốn mua đã phải bán đứt con trâu cày. Cách đây chục năm giá trị cây violin quy vàng vào khoảng hai “cây”, hồi đó tương đương một đôi trâu cày hạng nhất. Thế mà hiện nay làng Then có tới gần ba chục cây, chưa tính cây Xenlo có giá trị cao hơn nữa.

Còn nữa, nếu muốn sửa chữa, thay thế bất cứ bộ phận nào của cây đàn, ban nhạc lại phải cử người xuống Hà Nội mua. Nói vậy để biết nông dân làng Then say nghề, “chịu chơi” tới độ nào. Thậm chí nếu so sánh qua giá trị tài sản thì các lão nông làng Then còn đáng nề hơn nhiều.

Này nhé, gia cảnh ông nhạc trưởng Nguyễn Đăng Khoa thuộc loại khá nhất ban nhạc cũng tuềnh toàng không có bóng dáng một đồ vật đáng giá đến chục triệu đồng. Vợ chồng ông đã bán hết ruộng, xoay qua nghề làm hàng mã chạy chợ kiếm sống. Ấy vậy mà cũng nuôi bốn người con trưởng thành; Ông Thuật, ông Tựa, ông Nguyên cũng bỏ ruộng chuyên tâm vào vườn-ao-chuồng, mấy năm gần đây kinh tế cũng có cải thiện. Ông Huyên, ông Chính bỏ lúa trồng hoa bán cũng vụ được vụ mất chưa thể gọi là khá giả. Vài người phụ vợ bán hàng ngoài chợ gia cảnh có khá hơn nhưng công vợ là chính. Số còn lại đều bám vầo mấy sào ruộng khoán, cày sâu cuốc bẫm năm ba vụ lúa cũng đủ gạo ăn. Vậy là để theo được cái đam mê tốn kém ấy là cả một nỗ lực phi thường của cả một gia đình.

52888.jpg

Chỉ buổi tối, các nghệ sĩ làng Then mới tập trung đến sân đình, hoặc một nhà rộng rãi nào đó để cùng hoà tấu.

Người làng Then không tập đàn, chơi đàn vào ban ngày, trừ ngày lễ, tết hay dịp đặc biệt nào đó do còn phải bươn chải cuộc sống, chăm sóc thửa ruộng, mảnh vườn. Chỉ buổi tối, họ mới tập trung đến sân đình, hoặc một nhà rộng rãi nào đó để cùng hoà tấu. Sau khoảng trống mênh mông trong lứa tuổi từ 20 đến 35 hầu như không ai biết chơi vĩ cầm, đến nay, cuộc sống dần ổn định đã dần kéo lớp trẻ đến với tiếng đàn vĩ cầm truyền thống. Các thành viên ban nhạc đã quyết định tổ chức lớp học cho bọn trẻ mỗi tuần vài ba buổi tối.

“Có cháu tiến bộ rất nhanh, có thể chơi được những bản nhạc đơn giản dành cho violin rồi đấy”, ông Khoa hào hứng với ý định tổ chức một ban nhạc violin nhí đi thi VietNam Gottalent để mát mặt cha ông.

Đời sống người dân làng Then nói riêng và khu vực nông thôn Bắc Giang nói chung gần đây đã có nhiều đổi thay. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã mang đến sự phát triển nhiều mặt trong làng quê thanh bình sau luỹ tre làng. Còn gì thú bằng sau bữa cơm tối, được ngồi trước sân đình, uống bát trà xanh và nghe tiếng vĩ cầm thánh thót bên tai.