Phim tranh giải Cánh diều Vàng 2005:

"Ngày cuối cùng của chiến tranh"

Một cảnh trong phim "Ngày cuối cùng của chiến tranh".
Một cảnh trong phim "Ngày cuối cùng của chiến tranh".

"Ngày cuối cùng của chiến tranh" (kịch bản: Đào Thanh Tùng, đạo diễn: Nguyễn Thước) đã tìm được một cái cớ, một thời điểm nhạy cảm - ngày 30-4 - ngày cuối cùng của chiến tranh để tải tâm trạng của những người lính ở cả hai bên chiến tuyến, những người dân trước lằn ranh mỏng manh giữa chiến tranh và hoà bình.

Bộ phim được xây dựng trên dòng suy tưởng, cảm nhận của những người trực tiếp tham gia vào ngày lịch sử trọng đại đó như nhà văn Chu Lai - nguyên Đại đội trưởng đặc công ven Sài Gòn, tướng Nguyễn Cao Kỳ - nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, chuẩn úy - nhà văn Nguyễn Văn Thọ...

Không đặc sắc về đề tài, nhưng bộ phim có nhiều chi tiết hay, lạ được khai thác xoay quanh tâm trạng của nhiều người trước một biến cố lớn: Ngày độc lập. Để phản ánh được tâm trạng và không khí của ngày đó, đạo diễn đã "bê" nguyên cả những trích đoạn phim tư liệu cũ cả về hình ảnh lẫn lời bình, âm nhạc, tông màu... đan cài trong bộ phim.

Trong ngày cuối cùng của chiến tranh, đã có năm nghìn người lính ngã xuống. Họ hy sinh khi giờ chiến thắng đã cận kề. Đối lập với chết chóc, những đứa trẻ vẫn được sinh ra trong ngày 30-4.

Đại tá Nguyễn Văn Tào đã được đoàn tụ với gia đình ngay trong đêm hòa bình đầu tiên. Lúc ông đi, con gái còn nằm trong bụng mẹ, nhưng ngày cha con biết mặt nhau, con gái ông đã bế con ra chào ông ngoại. Đêm hòa bình đầu tiên ập tới mới biết chiến tranh đã đi qua nửa đời người.

Trong ngày cuối cùng của chiến tranh, có những người lính đã tha chết cho kẻ thù. Tâm trạng buồn vui xen lẫn khi mọi việc ập tới quá bất ngờ.

Bao nhiêu kinh nghiệm trận mạc bỗng chốc trở thành kỷ niệm khi không thể đem ứng dụng trong thời bình. Bên niềm vui ngày chiến thắng, những người lính đầy dự cảm bỗng tự hỏi: Ngày mai hòa bình sẽ làm gì?

Bên những chi tiết tôn vinh nét đẹp của người lính là những hình ảnh rất đỗi đời thường đã diễn ra trong ngày lịch sử khiến cho phim thật hơn, hình ảnh gần hơn.

Đạo diễn Nguyễn Thước cho biết, anh rất tiếc khi không có tư liệu về một số trận đánh lịch sử. Nhiều trận chiến thần tốc đã chỉ còn trong trí nhớ.

Trong ngày cuối cùng của chiến tranh, có những đứa trẻ được sinh ra, bắt đầu một cuộc đời. Lại có những người đã ngã xuống cho ngày chiến thắng.

Dẫu bao năm trôi qua, nhiều cựu binh vẫn không thể quên được ngày lịch sử đó. Tất cả cùng làm nên cảm nhận chung về ngày cuối cùng của chiến tranh.

Đạo diễn của phim băn khoăn: "Tôi muốn mang tới một âm hưởng khốc liệt và lãng mạn, nhưng không biết bộ phim tải được bao nhiêu? Không ai có thể trả lời thay cho tất cả, bởi nó phụ thuộc về cảm nhận của mỗi người khi xem phim". Dẫu chưa biết Cánh diều Vàng sẽ đậu xuống phim nào, nhưng "Ngày cuối cùng của chiến tranh" quả là một bộ phim đáng xem.