Từ triển lãm "Điểm hội tụ" ở Hàn Quốc:

Khát vọng trao đổi văn hóa của thành phố trẻ

Những vị khách Hàn Quốc thăm phòng triển lãm ảnh của Việt Nam tại Gwangju (ngoài cùng bên trái là TS Yang Eunhee).
Những vị khách Hàn Quốc thăm phòng triển lãm ảnh của Việt Nam tại Gwangju (ngoài cùng bên trái là TS Yang Eunhee).

Sức sống của người Việt

Những bức ảnh đen trắng của Đoàn Công Tính-một trong những nhà nhiếp ảnh chiến tranh xuất sắc nhất của Việt Nam-rất gây được ấn tượng. Hai mảng đề tài của ông được trưng bày trong triển lãm là chiến trường Quảng Trị 1972 và nhịp sống của những người dân bình thường trong chiến tranh.

Dương Thanh Phong và Lâm Tấn Tài đóng góp những hình ảnh đa dạng khác: Lớp học vùng chiến sự, biểu tình chống Mỹ, đào địa đạo Củ Chi..., và chú ý miêu tả những nụ cười trong trẻo, hồn nhiên của những người lính.

Trong khi Nguyễn Việt Thanh đưa ra những góc nhìn về đời sống đương đại hôm nay...

Mảng phim tài liệu hội tụ những phim hay hoặc đáng chú ý gần đây của nhiều thế hệ đạo diễn Việt Nam như "Những nẻo đường công lý" (đạo diễn Lại Văn Sinh", "Chốn quê" - Sỹ Chung, "Sương tan" - Nguyễn Thước, "Khoa" - Phan Huyền Thư")... với sự mở ra của nhiều hướng khai thác thể loại tài liệu cũng như ngôn ngữ làm phim.

Chủ đề "Việt Nam 1965-2005" trong triển lãm với các tác phẩm hiện có là một nét phác họa đáng chú ý về hình ảnh một Việt Nam năng động và có nhiều nỗ lực trong xây dựng đất nước.

Bên cạnh đó, những chủ đề khác như "Phụ nữ châu Á", "Lễ hội, nghi lễ và phong tục", "Thảm họa, chiến tranh và những người còn sống"... với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ châu Á đã là những lát cắt sống động về một châu Á, về những vấn đề và mối quan tâm chung phải đối mặt.

Khát vọng và ý tưởng

Triển lãm "Điểm hội tụ" là ý tưởng của Ủy ban Văn hóa và Nghệ thuật TP.Gwangju. Trong đó có nỗ lực đáng kể của tiến sĩ Yang Eunhee - một "curator" tốt nghiệp triết học nghệ thuật - người cũng đã sang Việt Nam lựa chọn các tác phẩm cho chủ đề "Việt Nam 1965-2005".

Triển lãm chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt dự án lớn, nhỏ khác nhau về nghệ thuật, trong đó đến năm 2010, khu liên hợp trao đổi văn hóa châu Á sẽ chính thức hoàn tất để biến Gwangju trở thành thành phố văn hóa châu Á.

Gwangju nằm ở phía nam Hàn Quốc là một thành phố biểu tượng cho hòa bình, dân chủ ở Hàn Quốc, có truyền thống văn hóa, nghệ thuật đã lựa chọn việc phát triển, trao đổi văn hóa với các nước châu Á như là một ưu tiên đặc biệt.

Đó là khát vọng luôn vươn tới mức cao nhất có thể (dù chỉ là một thành phố trẻ), là hoạch định chiến lược và từng bước thực hiện với những dự án kéo dài đến hàng chục năm (dự án 20 năm của Gwangju).

Các nhà tổ chức đã trực tiếp sang các nước để tìm kiếm sự ủng hộ từ phía các nghệ sĩ và tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ có thể sang và bày tỏ quan điểm nghệ thuật riêng của mình để giao lưu, trao đổi. Từ những chủ đề chung để tìm ra bản sắc riêng- tạo sự kết nối giữa các nghệ sĩ và chính nghệ sĩ với người xem.