Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Khánh Dư: Người và phim

Với nhà quay phim, đạo diễn, NSND Khánh Dư, dường như trong mỗi khuôn hình, trong từng tác phẩm và trong cả cuộc đời đều thấm đẫm một tình yêu tha thiết với con người, với cuộc đời. Cái tình sâu nặng cùng cảm xúc tinh tế thẩm thấu vào từng chi tiết trong các bộ phim của ông - những tác phẩm bình dị về những con người bình dị. Thẩm thấu trong cách nghĩ, cách sống, và trong cả cuộc đời ông. Và, trong ký ức đồng nghiệp, trong ký ức công chúng yêu nghệ thuật điện ảnh Việt Nam in đậm hình ảnh giản dị của một Khánh Dư nghệ sĩ. Nghệ sĩ từ nụ cười lành, giọng nói nhỏ nhẹ đến cách cảm tinh tế, cách nhìn thẳng thắn, bộc trực mà rất đỗi hồn nhiên, đôn hậu.

Ông họ Nguyễn, sinh ngày 2-9-1933 tại thị xã Cao Bằng. 13 tuổi, ông trở thành Thiếu sinh quân, Trung đoàn 74, Cao Bằng. Trước khi trở thành nghệ sĩ quay phim, Nguyễn Khánh Dư đã có gần chục năm làm nhiếp ảnh, phụ quay phim thuộc Nha Thông tin tuyên truyền. Lăn lộn trên mọi nẻo đường kháng chiến, người nghệ sĩ có trái tim nhạy cảm Khánh Dư từng chứng kiến và ghi lại bao phút giây hào hùng, từng cảm nhận những đau thương, mất mát và hơn ai hết "Nhận biết sâu sắc cái giá phải trả cho tự do, độc lập của đất nước và của bản thân mỗi con người". Có lẽ vì vậy, NSND Khánh Dư đã có lần tâm sự: "Ðiều tôi quan tâm nhiều nhất, lúc nào cũng canh cánh bên lòng là, tôi mắc nợ với nhân dân, tôi phải trả món nợ đó. Làm nghệ thuật để trả nợ, nhưng chắc là trả mãi cũng không hết".

Năm 1955, với chiếc máy quay phim chiến lợi phẩm, Nguyễn Khánh Dư chính thức quay những thước phim tài liệu, phóng sự đầu tiên. Không chút bỡ ngỡ trước những biến chuyển của thời cuộc, nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư nhanh chóng bám chắc vào đời sống, hăng hái có mặt ở những tuyến đầu, những nơi xa xôi hẻo lánh và luôn mang trong mình ý thức trung thực của "người chép sử". Trong khoảng 5 năm cầm máy quay phim tài liệu, Nguyễn Khánh Dư đã thực hiện nhiều tác phẩm có giá trị: Sản xuất mùa xuân, Chống di cư vào Nam, Thành lập khu tự trị Tây Bắc - Việt Bắc, Cuộc sống trở lại bản Mường, Trên hải phận Tổ quốc...  và bộ phim Trên tuyến đầu miền tây Tổ quốc mà ông tham gia với tư cách quay phim đã giành Bông sen Bạc Liên hoan phim quốc gia lần thứ hai, năm 1973.

Từ năm 1959, Nguyễn Khánh Dư thật sự được sống cùng nỗi đam mê của mình khi về làm việc tại Xưởng phim truyện Việt Nam.

Vườn cam (1960) là phim truyện đầu tay của nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư, tiếp đó là Một ngày đầu thu (1962). Và, chỉ một năm sau, với Chị Tư Hậu, ông đã nhận giải Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II.  Sau đó ông lại đoạt giải cao nhất dành cho nghệ sĩ quay phim tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV, năm 1977. Trong hành trang nghệ thuật của mình, NSND Nguyễn Khánh Dư đã thực hiện hơn 10 bộ phim truyện với tư cách quay phim, đã cộng tác hầu hết các đạo diễn thuộc thế hệ những năm 60 của thế kỷ trước.

Với tình yêu đến say đắm nghệ thuật tạo hình, với tình yêu quê hương đất nước tha thiết, với vốn hiểu biết nghệ thuật dân tộc sâu sắc, và trên hết với tâm hồn Việt Nam thuần khiết, nghệ sĩ Nguyễn Khánh Dư đã khiến cho mỗi khuôn hình của mình đều có cái dáng nét riêng rất Việt Nam, cả về góc độ tạo hình và nhịp điệu. Mái nhà tranh đơn sơ, chiếc xe thồ mộc độc đáo, gương mặt cháu bé ngây thơ... trong Chị Tư Hậu không chỉ đem đến cho người xem những hình ảnh đẹp, những cảm xúc thẩm mỹ vừa dịu vừa sâu, mà còn góp phần quan trọng khắc họa hoàn cảnh, tính cách và tâm lý nhân vật. Với sức mạnh của ống kính tạo hình của mình, Nguyễn Khánh Dư đã góp phần để người xem quan sát một cách tinh tế những diễn biến trong tâm tư, tình cảm nhân vật chính, để Chị Tư Hậu trở thành một tổng thể hài hòa giữa nội dung và hình thức. Giải Bạc Liên hoan phim quốc tế Mát-xcơ-va năm 1963, Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt nam lần thứ hai đã khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Nghệ sĩ Nguyễn Khánh Dư đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của Chị Tư Hậu...

Ở các phim khác như Người chiến sĩ trẻ, Biển lửa, Ga, Ðộ dốc, Hai bà mẹ, người xem cũng thấy rõ ống kính tạo hình của Nguyễn Khánh Dư không chỉ làm nổi lên cái khung cảnh đất nước Việt Nam hiền hòa tươi mát đầy chất thơ, chất trữ tình mà còn góp phần làm tái hiện một cách sinh động nội dung câu chuyện và đi sâu vào việc thể hiện nội tâm, tính cách nhân vật. Thành công của NSND Nguyễn Khánh Dư, phải chăng, như ông có lần tự nhận xét: Nông thôn dân dã, người dân chân lấm tay bùn, tiếng vỗ cánh của chú cò trên ruộng lúa, tiếng vó bè lúc nửa đêm... Lòng nhân ái, tình hàng xóm, thân thuộc. Ðó là thế giới của tôi.

Sống thực đời mình trong thế giới gần gũi bình dị và tái hiện thế giới đó trên màn ảnh. Cùng quan niệm đó, ngay với bộ phim đầu tay Ðứa con nuôi, đạo diễn Nguyễn Khánh Dư đã thành công và bộc lộ phong cách riêng, phong cách thơ của mình. Phim đã giành Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV. Phong cách đó được tiếp tục phát triển trong các bộ phim sau đó như Những đứa con,  Mẹ vắng nhà. Bộ phim Mẹ vắng nhà đã giành Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ năm, giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary 1980.

Sinh thời, NSND Nguyễn Khánh Dư đã tâm sự: "Tôi rất yêu bọn nhỏ. Ðó là nhân vật ưu tiên số một khi tôi sáng tác. Tôi học ở các em rất nhiều, tôi học nhìn cuộc đời bằng cặp mắt của trẻ thơ: hồn nhiên, tin cậy, yêu đời...". Với tình yêu và sự ưu tiên ấy, nghệ sĩ Nguyễn Khánh Dư là đạo diễn có nhiều phim khai thác đề tài thanh niên, thiếu niên thành công nhất của điện ảnh Việt Nam. Người xem có thể thấy điều đó ở  các phim dành Bông sen Bạc tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam sau này như Trăng rằm, Ðàn chim trở về. Trong loạt phim tiếp theo Bọn trẻ (Bông sen Vàng và Ðạo diễn xuất sắc nhất  Liên hoan phim Việt Nam lần thứ X), Cát bụi hè đường... đạo diễn Nguyễn Khánh Dư lại tái hiện những bi kịch, những nỗi đau mà hoàn cảnh lịch sử và thực tế cuộc sống ở Việt Nam buộc các nhân vật nhỏ tuổi phải nếm trải. Các em là nạn nhân của bi kịch gia đình, của sự xuống cấp đạo đức xã hội... Cách dàn dựng thuần thục, nhuần nhuyễn của một đạo diễn lão thành đã tạo nên cấu trúc chặt chẽ và sức hấp dẫn của những bộ phim này. Và đặc biệt, đi vào những vấn đề gai góc, với âm hưởng trầm lắng nhưng các tác phẩm này vẫn lấp lánh chất thơ và tràn ngập tình yêu thương cuộc đời, yêu thương con người.

Trọn đời cống hiến cho nền điện ảnh cách mạng, với cách nhìn, cách cảm và với những rung động của riêng mình, NSND Nguyễn Khánh Dư đã tạo nên một dấu ấn đậm nét trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Dấu ấn thấm đẫm trong những thước phim của ông, tái hiện cả một thế giới trẻ thơ thông minh dĩnh ngộ, một thế giới nông thôn bến nước cây đa, đầy ắp dân ca, đẹp như tranh vẽ. Miêu tả một cách sinh động và chan chứa nhân tình cả một lớp người với những hạnh phúc bình dị cùng ít nhiều bất hạnh.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khánh Dư đã về với vĩnh hằng. Ðã khép lại bao suy tư nghề nghiệp, bao khát khao sáng tạo cùng những trăn trở trước thời cuộc... Và, Ðồi Cọ đã vắng thêm một cây đại thụ. Nhưng sự hiện diện của NSND Nguyễn Khánh Dư trên thế giới này đã để lại thật nhiều ý nghĩa cho đời và các thế hệ tương lai còn mãi nhớ, mãi nhắc tới ông- một nghệ sĩ điện ảnh của nhân dân.