Nhà văn Nguyễn Tuân là hình ảnh một nhà văn bậc thầy, một nhân cách văn hóa mẫu mực và được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1, năm 1996).
Trong lời đề dẫn Nguyễn Tuân là người đã “đến được với cái đẹp và cái thật”, GS Phong Lê nhấn mạnh: Xuất hiện trên đàn văn vào cuối thập niên 30 và đầu 40 thế kỷ 20, Nguyễn Tuân đã khẳng định ngay lập tức tên tuổi của mình ở một văn phẩm gần như thâu tóm và kết tinh mọi tinh hoa làm nên sự hoàn thiện và hoàn mỹ của một phong cách viết: Vang bóng một thời". Với khởi đầu rất ấn tượng là Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đến với Cách mạng tháng Tám bằng sự tận lực sống với thời cuộc, với sự sống đương đại, nhãn tiền.
Với Nguyễn Tuân, đã chọn nghề viết, ông đã không ngừng viết bất cứ lúc nào, dẫu với bất cứ chuyển động nào của lịch sử. Tháng Tám – mùa thu cũng đã vào văn Nguyễn Tuân trong vẻ lộng lẫy của một bức sơn mài. Ông không ngần ngại đi lên chiến khu Việt Bắc, viết những trang mới nồng ấm tình người trong Đường vui, Tình chiến dịch… và đảm nhận chức trách Tổng thư ký đầu tiên của Hội văn nghệ Việt Nam vừa mới thành lập vào cuối năm 1948.
GS Phong Lê phát biểu: "Chặng đường sau 1960 cho đến khi Nguyễn Tuân qua đời, năm 1987 vẫn là một hành trình liên tục, không ngừng nghỉ, không nản mỏi, không đứt quãng trên hai trục Đi và Viết, với khởi đầu là Sông Đà (1960). Sông Đà góp một giai điệu ấm áp và hào sảng đó vào một thời khó quên trong lịch sử văn học thế kỷ 20, đó là vẻ đẹp của thiên nhiên qua một bút pháp rất tạo hình. Như vậy là qua Sông Đà, từ Sông Đà, Nguyễn Tuân đang có một đà say về cuộc sống mới".
Nhà văn Nguyễn Tuân (đứng đầu trái) và các văn nghệ sĩ tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951.
Nhà văn Nguyễn Tuân sinh ngày 10-7-1910. Quê quán làng Thượng Đình, xã Nhân Mục (làng Mọc) nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Vang bóng một thời có thể xem đây là tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyễn Tuân, với bản in đầu tiên năm 1940 của NXB Tân Dân, gồm 11 truyện đã được in trên các báo như Tiểu thuyết thứ bảy, Tao đàn trước đó. Sau Vang bóng một thời, những tên sách gắn với tên Nguyễn Tuân trước 1945 như Ngọn đèn dầu lạc (1939), Nhà bác Nguyễn (1940), Một chuyến đi (1941), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Tàn đèn dầu lạc (1941), Tùy bút I (1941), Tùy bút II (1943), Tóc chị Hoài (1943), Thiếu quê hương (1940-1943)… Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nhà văn Nguyễn Tuân tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Các tác phẩm chính sau cách mạng của ông là tập bút ký Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972)… |
Tại buổi lễ, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, cuộc đời nhà văn Nguyễn Tuân gắn trọn với văn hóa, văn học cách mạng của nhà văn Nguyễn Tuân đã giúp làm phong phú, giàu có thêm nền văn học Việt Nam hiện đại…
Là một nhà văn bậc thầy, một danh nhân văn hóa của Hà Nội, Nguyễn Tuân đưa những cảm nhận tinh tế, những rung cảm về vẻ đẹp con người và góc phố Hà Nội vào văn học ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước. Các tác phẩm của ông là những tư liệu quý, những thước phim sống động và chân thực phản ánh chiều sâu văn hóa của đất Hà thành.
Các phát biểu tại buổi lễ này đều đánh giá, cuộc đời Nguyễn Tuân hầu như nằm trong những chuyến đi. Ông là một trong những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Theo GS Phong Lê, đam mê và sống chết với nghề - đó là nét chung của rất nhiều người chọn nghề viết, chứ không riêng Nguyễn Tuân. Nhưng với Nguyễn Tuân, đây mới thật là riêng, sáng tạo văn chương phải là một nghề sang trọng. Một ngôn ngữ rất Việt Nam và rất Nguyễn Tuân, đó là cái đích cao nhất mà Nguyễn Tuân đã đến được, ngay từ những tác phẩm đầu tay cho đến trang viết cuối cùng.
"Tìm đến Nguyễn Tuân như là người của nghề - nghề viết; và là người của chữ - tiếng Việt. Đọc bất cứ trang văn nào của Nguyễn Tuân ta cũng đều cảm nhận được một cách thật hứng thú cái giàu có, sinh sắc, sống động, và cái sức diễn tả, biểu đạt thật là tuyệt vời của câu văn ta trên tất cả các phương diện của màu sắc, âm thanh, hình khối của chữ và nghĩa. Ngôn ngữ Nguyễn Tuân đó là thứ ngôn ngữ có hình, có khối, có nhạc, và đương nhiên là có hồn - cái hồn được truyền lại từ cha ông và cái hồn của người viết phả vào, bởi tài năng vận dụng, khai thác hết công suất của nó"- GS Phong Lê.