Trước đó, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp Hồng Lâm đang dùng xe cuốc phá rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn xã Lai Hòa, Thị xã Vĩnh Châu. Tại hiện trường, một khoảng rừng dài 490m, rộng 10m (4.900 mét vuông) đang bị đào xới để tạo lập mặt bằng thi công. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp không có đủ những giấy tờ theo quy định. Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu đã yêu cầu công ty Hồng Lâm dừng ngay hành vi phá rừng và tạm thu giữ một lượng lớn cây đước do công ty Hồng Lâm đốn hạ.
Qua làm việc, ông Trần Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Hồng Lâm cho rằng, công ty đang thực hiện nhiệm vụ thi công gia cố nâng cấp các vị trí xung yếu tuyến đê mất đai rừng và những đoạn có đai rừng mỏng do Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư. Tuyến đê biển có đoạn nằm trong danh mục khu vực sạt lở bờ biển nguy hiểm theo quyết định của UBND tỉnh công bố vào tháng 9-2019. Do bị đôn đốc nên Công ty Hồng Lâm thi công giải phóng mặt bằng trong khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (gọi tắt là Ban 2) Võ Quốc Tâm viện dẫn, theo Luật Xây dựng, tình huống khẩn cấp có thể vừa thi công vừa hoàn chỉnh hồ sơ. Ban đã làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng, do đó đơn vị thi công nghĩ là đã có phương án trồng rừng thay thế thì có thể thi công được. “Ban Quản lý Dự án 2 đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục chuyển đổi đất rừng và phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thực hiện thủ tục tận thu cây rừng theo quy định”, ông Tâm quả quyết.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tháng 7-2020, HĐND tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất, mức vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng năm 2020 và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng. Dự án này có hơn 55ha đất cần chuyển đổi mục đích sử dụng, trong đó có 18,5ha chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ. Ban 2 đã làm tờ trình UBND tỉnh về chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, đến ngày đơn vị thi công là Công ty Hồng Lâm có hành vi phá rừng trái pháp luật thì UBND tỉnh mới có văn bản chấp thuận cho Ban Quản lý Dự án 2 nộp tiền trồng rừng thay thế. Và cho đến nay (27-8), Ban 2 vẫn chưa nộp tiền trồng rừng thay thế và UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định cho phép Ban 2 chuyển đổi mục đích sử dụng 18,5ha đất rừng phòng hộ sang mục đích sử dụng khác.
Như vậy, việc tự ý giải phóng mặt bằng của đơn vị thi công Hồng Lâm và Chủ đầu tư là Ban 2 đã vi phạm Điều 23 của Luật Lâm nghiệp (2017) về “Thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng”; đồng thời hành vi phá rừng đã vi phạm Điều 12, Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp với “hành vi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã bảo đảm điều kiện nhưng chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, chỉ vì suy nghĩ đơn giản mà đi đến hành động tự ý phá rừng khi chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định nói trên của Công ty Hồng Lâm và Ban 2 đã rõ hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Thiết nghĩ, Công ty Hồng Lâm và Ban 2 sớm khắc phục sự chậm trễ về thủ tục, đồng thời phải có sự hợp tác với đơn vị kiểm lâm cũng như người dân địa phương trong qua trình thực hiện dự án.