Những ngày gần đây, tại huyện Bảo Lâm xuất hiện mưa vừa, mưa to, nước mưa cuốn trôi theo đất, đá, cát tràn về lòng suối Nà Tăng ở khu 1, thị trấn Pác Miầu. Chiều 5/7, khi năm người dân đang xúc cát ở giữa dòng suối thì nước lũ đột ngột tràn về. Thấy nước suối dâng khá cao, bất thường, cả năm người nhanh chóng trèo lên một mô đất, sau đó dìu nhau vào bờ.
Đáng tiếc, khi họ còn cách bờ suối một đoạn, một đợt lũ quét với cột sóng nước cao cuồn cuộn ập về, cuốn cả năm người trôi theo dòng nước. Anh Dương Văn Lợi, là người may mắn khi bị nước cuốn trôi khoảng 200m, anh đã bám được vào cành cây, thoát nạn. Bốn người còn lại bị nước cuốn trôi và mất tích. Các nạn nhân gồm: Dương Văn Quyền (sinh năm 1990); Triệu Thị Kim (sinh năm 1985); Phùng Thị Ngán (sinh năm 1989) đều ở xóm Khau Lạ, và Lý Văn Phin (sinh năm 1993), ở xóm Bản Mỏ, đều thuộc xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm.
Ngay sau vụ việc, người dân gần đó lập tức chạy đến hiện trường nỗ lực cứu hộ. Anh Hoàng Văn Trọng, một trong những người nỗ lực cứu hộ từ lúc ban đầu cho biết: Đang chăn vịt, tôi thấy năm người đứng trên mô đất. Vừa ngoảnh đi một chút đã nghe tiếng ầm ầm của dòng lũ dữ. Quay lại, tôi thấy lũ đã cuốn trôi cả năm người.
Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, chính quyền huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng huy động các lực lượng công an, bộ đội, dân quân, thanh niên, công chức, viên chức và nhân dân khẩn trương, tích cực tìm kiếm nạn nhân. Các lực lượng đã chia làm nhiều hướng, nhiều mũi dọc theo hướng di chuyển của dòng lũ. Đến 22 giờ ngày 5/7, thi thể nạn nhân đầu tiên được tìm thấy tại chân cầu Khu II thị trấn Pác Miầu là chị Phùng Thị Ngán. Đồng chí Mã Gia Hãnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm cho biết, hàng trăm người đã nỗ lực, quyết tâm tìm kiếm. Nhưng chiều 5/7, mưa to kéo dài, ảnh hưởng đến việc tìm kiếm.
Công an huyện Bảo Lâm đã huy động 60 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương tham gia tìm kiếm. Các cán bộ, chiến sĩ đơn vị đổi ca, tranh thủ về nghỉ ngơi, sinh hoạt cá nhân rồi lại tiếp tục tham gia tìm kiếm nạn nhân. Trung tá Phương Hải Truyền, Trưởng Công an huyện Bảo Lâm chia sẻ, với tinh thần vì nhân dân phục vụ, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã quyết tâm và trách nhiệm tìm kiếm các nạn nhân.
Đến chiều 6/7, vẫn còn ba nạn nhân mất tích, lực lượng cứu hộ đã huy động thêm ca-nô tăng cường từ địa phương khác, chạy dọc theo sông, suối, lòng hồ thủy điện Bảo Lâm, không ngừng mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân. Và dù biết là khó, mỗi người vẫn hy vọng vào điều kỳ diệu sẽ xảy ra: có nạn nhân còn an toàn.
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ
Ngày 6/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 20/CĐ-QG gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía bắc.
Theo đó, để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía bắc tập trung chỉ đạo triển khai việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các tỉnh miền núi phía bắc kiểm tra, rà soát các hoạt động sản xuất ven sông, suối, hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, người dân trên các lều, chòi canh nương rẫy, ven sông suối; di dời người dân tại các khu vực có nguy cơ để bảo đảm an toàn... Các địa phương khu vực miền núi phía bắc rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố…