Đón các anh về sau gần 60 năm hy sinh

Những ngày qua, Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Đội K72)-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đã tìm kiếm, cất bốc nhiều hài cốt liệt sĩ tại khu vực sân bay quân sự Lộc Ninh. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước mong muốn các nhân chứng, các cựu chiến binh và nhân dân cung cấp thông tin để xác minh danh tính các liệt sĩ, đồng thời mở rộng khu vực tìm kiếm trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Các chiến sĩ Đội K72-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đào tìm hài cốt liệt sĩ tại khu vực sân bay quân sự Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. (Nguồn Đội K72-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước)
Các chiến sĩ Đội K72-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đào tìm hài cốt liệt sĩ tại khu vực sân bay quân sự Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. (Nguồn Đội K72-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước)

Dựa vào nguồn thông tin các cựu chiến binh Mỹ cung cấp về vị trí, tọa độ nơi chôn tập thể bộ đội Việt Nam trong chiến dịch Lộc Ninh năm 1967, từ ngày 1/8/2024, Đội K72-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước khảo sát, đào tìm hài cốt liệt sĩ tại khu vực sân bay quân sự Lộc Ninh, thuộc ấp K54, xã Lộc Thiện và đồi 224, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh. Đến trưa 14/8/2024, lực lượng tìm kiếm đã cất bốc được 12 hài cốt liệt sĩ cùng nhiều di vật, nhưng chưa xác định được danh tính các liệt sĩ.

Theo sử liệu, sân bay quân sự Lộc Ninh được xây dựng tháng 3/1965 để sử dụng cho việc tiếp tế lương thực, đạn dược và di chuyển phương tiện chiến tranh cho các mặt trận Lộc Ninh-Campuchia. Sân bay nằm trên một khu đồi bằng phẳng, có diện tích khoảng 50.000 m2, được lắp ghép toàn bộ bằng những vỉ sắt thay cho bê-tông.

Đây là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn nhỏ, nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1986. Do thời gian và một số yếu tố tác động, sân bay quân sự Lộc Ninh có nhiều thay đổi, dấu vết chỉ còn lại đường băng. Hiện trạng này cũng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình tìm kiếm, xác định vị trí chôn cất các liệt sĩ khiến công tác quy tập hài cốt liệt sĩ kéo dài nhiều năm.

Cuối tháng 6/2024, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiến hành ba cuộc hội thảo trao đổi thông tin với đoàn cựu binh Mỹ (do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức đến thăm Việt Nam) về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam và quân nhân Mỹ mất tích sau chiến tranh.

Đoàn cựu binh Mỹ đã trao cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và tỉnh Tây Ninh 21 bộ hồ sơ, gồm nhiều thông tin quan trọng, như: Hình ảnh tọa độ, vị trí, chỉ dẫn về những khu mộ tập thể liệt sĩ được phía quân đội Mỹ chôn, lấp sau các trận đánh, trong đó có khu mộ tại sân bay quân sự Lộc Ninh.

Người nghiên cứu, thiết lập hồ sơ vị trí khu mộ tại sân bay quân sự Lộc Ninh là cựu chiến binh, phi công trực thăng Richard W Magner. Ông Magner cho biết, nhân chứng là cựu chiến binh Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ, từng được điều động đến sân bay Lộc Ninh giữa tháng 11/1967.

Theo lời kể của nhân chứng, khoảng hơn 10 ngày sau trận đánh, nhóm của ông được phân công dùng máy ủi đến khu vực phía đông bắc sân bay, hướng về ngã tư Lộc Ninh, để ủi đất tạo thành các công sự cho xe tăng và thiết giáp phòng ngự.

Lúc đó, khu vực này là rừng cao su, có nhiều cây đổ gãy do hậu quả của trận đánh. Tại đây, họ phát hiện khoảng hơn 10 thi thể và một số mảnh thi thể bộ đội Việt Nam. Họ đã thu gom các thi thể, đưa vào khu vực gần cổng sân bay (ngày nay), rồi chôn lấp bằng máy ủi trong một hố chung.

Chuyên gia nghiên cứu dữ liệu chiến tranh Lâm Hồng Tiên, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết: Theo báo cáo của quân đội Mỹ, đây là hướng tấn công của ba tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 3 (còn gọi là Trung đoàn 273), Sư đoàn 9, từ giữa tháng 9/1967 và khoảng hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7, từ đầu tháng 11/1967, trong chiến dịch Lộc Ninh.

Năm 1968, quân đội Mỹ thu giữ một bản danh sách 29 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 273, Sư đoàn 9, hy sinh trong trận đánh vào Lộc Ninh đêm 28/10/1967, do đồng chí Lê Đức, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 273 ký tên, ghi ngày 15/11/1967.

Đón các anh về sau gần 60 năm hy sinh ảnh 1

Bản danh sách 29 liệt sĩ hy sinh tại khu vực sân bay quân sự Lộc Ninh năm 1967, đăng trên trang “Kỷ vật kháng chiến”.

Phần trường hợp hy sinh, mất tích có ghi: Đánh chi khu Lộc Ninh. Theo báo cáo, chi khu Lộc Ninh nằm ở phía bắc đường băng sân bay Lộc Ninh, bị tấn công đêm 28 rạng sáng 29/10/1967, gần với vị trí chôn cất các liệt sĩ vừa được tìm thấy.

Cựu chiến binh Trần Trung Lương, nguyên trợ lý tác chiến tham mưu Sư đoàn 7, đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Hiện nay, Sư đoàn 7 còn lưu giữ nhiều thông tin, tài liệu về các trận đánh ở Lộc Ninh, trong đó có cả danh sách liệt sĩ và sơ đồ mộ chí.

Theo hồ sơ lưu trữ, có hai trinh sát của Sư đoàn 9 dẫn đường và 11 lính chiến Sư đoàn 7 tham gia đánh tập kích sân bay quân sự Lộc Ninh vào tháng 11/1967 đều hy sinh. Vì vậy, có khả năng hài cốt mới tìm được tại khu vực sân bay quân sự Lộc Ninh là của các liệt sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7.

Hiện hài cốt các liệt sĩ và di vật đang được bảo quản tại Nhà văn hóa ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh. Nhiều cơ quan, đơn vị, nhân dân địa phương đã tổ chức các đoàn đến thắp hương tri ân các liệt sĩ.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước rất mong muốn nhận được thêm thông tin từ nhân dân và các cựu chiến binh để có cơ sở xác minh danh tính các liệt sĩ và tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm.

Sau khi hoàn thành công tác tìm kiếm hài cốt, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành địa phương sẽ tổ chức trang trọng lễ viếng, lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ.

Vậy là, sau gần 60 năm kể từ khi các liệt sĩ hy sinh, Đội K72-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đã tìm thấy và đón các anh trở về an nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ, hưởng sự chăm sóc của chính quyền và nhân dân địa phương.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam nói: “Với 21 hồ sơ vị trí mộ tập thể liệt sĩ thuộc bốn tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, được các cựu chiến binh Mỹ cung cấp cuối tháng 6/2024, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng các cấp, nhưng đến nay mới có Đội K72-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước khảo sát, khai quật và đạt kết quả.

Chúng tôi rất hy vọng, 20 hồ sơ vị trí mộ tập thể liệt sĩ còn lại sớm được các địa phương triển khai thực hiện. Nếu chúng ta tìm được hết các mộ tập thể thì có khoảng 3.000 liệt sĩ được trở về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ”.