Đổi thay nơi vùng đất cách mạng

Xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Kon Tum. Sau ngày thống nhất đất nước, phát huy truyền thống cách mạng, người dân nơi đây luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình hồng đẳng sâm trồng xen chuối trên đất đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Đăk Kôi.
Mô hình hồng đẳng sâm trồng xen chuối trên đất đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Đăk Kôi.

Vượt gần 30km đường nhựa phẳng lỳ từ Quốc lộ 24 về đến trung tâm xã Đăk Kôi, chúng tôi chứng kiến sự thay da, đổi thịt của vùng căn cứ cách mạng năm xưa. Dọc hai bên đường những vườn cây xanh tốt, trĩu quả bao quanh những căn nhà khang trang, cho thấy sự ấm no, phát triển kinh tế vượt bậc của người dân nơi đây.

Quá khứ hào hùng

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc Xơ Đăng ở Đăk Kôi luôn trong cảnh bị áp bức, phải đi xâu, đi phu, phục dịch… Đời sống của đồng bào đã đói khổ vì tình trạng kinh tế thấp kém; vì thiên tai, mất mùa, ốm đau, dịch bệnh… lại thêm sự bóc lột dã man, độc ác của bọn thực dân thống trị.

Cũng vì lẽ đó, ngay khi thực dân Pháp đặt chân lên đất Kon Tum, bọn chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt và tinh thần không hề khuất phục của đồng bào Xơ Đăng ở Đăk Kôi. Ngoài các cuộc nổi dậy đấu tranh trực diện chống bắt đi xâu, đi lính, thu thuế..., đồng bào còn bố trí phòng vệ, rào làng, rào ngõ, tổ chức lực lượng phục kích tiêu diệt địch, quyết tâm giữ làng, giữ đất, giữ gìn tài sản hoa màu...

Những năm tháng tiếp đó, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, nhân dân xã Đăk Kôi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, lập nên những chiến công hiển hách, đánh bại tất cả các cuộc càn quét của giặc Pháp-Mỹ, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng.

Với những chiến công to lớn và thành tích xuất sắc lập được trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, cán bộ, quân và dân các dân tộc xã Đăk Kôi đã được Đảng và Nhà nước khen tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý, trong đó cao quý nhất là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Xây dựng Đăk Kôi ngày càng phát triển

Là xã vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Kon Rẫy, Đăk Kôi có diện tích tự nhiên hơn 32 nghìn héc-ta, gồm có chín thôn, 831 hộ với gần 3.000 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Xơ Đăng chiếm hơn 98% số dân, còn lại là bà con người Kinh, Thái, Tày…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Kôi Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sau khi đất nước thống nhất, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đăk Kôi đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để cùng nhau khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định đời sống xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn xã đã đạt được 15 trong số 19 tiêu chí nông thôn mới. Theo kế hoạch thì đến năm 2025, xã Đăk Kôi sẽ về đích nông thôn mới.

Bộ mặt của xã Đăk Kôi có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn đã được bê-tông hóa, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Nhiều tuyến đường tại các thôn đã được đầu tư nhằm bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp; đường liên thôn, đường trục chính nội đồng cũng được cứng hóa, phục vụ tốt cho các phương tiện giao thông đi lại được thuận tiện. Hệ thống thủy lợi ngày càng được kiên cố hóa, bảo đảm nước tưới cho người dân sản xuất; hệ thống mạng lưới trường học được đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn xã…

Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Đăk Kôi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, thế mạnh, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề thương mại, dịch vụ...

Có mặt tại thôn Kon RGỗh, thôn về đích nông thôn mới đầu tiên của xã, chúng tôi cảm nhận rõ không khí thi đua lao động sản xuất và những đổi thay, phát triển trong đời sống kinh tế-xã hội của bà con nơi đây.

Anh A Thương-Bí thư Chi bộ thôn Kon RGỗh cho biết, để phát triển kinh tế gia đình, gia đình anh đã đầu tư nuôi 5 con bò, khoảng 50 con gà, trồng 2 ha bời lời, 3 sào mì, cà-phê và 2 sào lúa, mang lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Với vai trò là bí thư chi bộ, để người dân trong thôn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu, anh A Thương luôn gương mẫu đi đầu trong việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn cho bà con về cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Học theo gương anh A Thương, nhiều hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao được nhân rộng, đến nay thu nhập bình quân người dân trong thôn đạt 31,2 triệu đồng/năm.

“Hiện nay, thôn Kon RGỗh chỉ còn 7% hộ nghèo, là những hộ không có khả năng lao động. Bà con trong thôn rất chăm chỉ làm lụng, quyết tâm làm giàu để xây dựng kinh tế gia đình, đưa thôn Kon RGỗh ngày càng phát triển đẹp, giàu”. Bí thư Chi bộ A Thương vui mừng cho biết.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Kôi Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ thêm: “Phát huy truyền thống anh hùng, thời gian tới, cấp ủy và chính quyền địa phương sẽ tập trung lãnh đạo các tầng lớp nhân dân xã Đăk Kôi chung sức, đồng lòng đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xã sẽ chú trọng việc huy động các nguồn lực xã hội, tập trung triển khai đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần xây dựng xã Đăk Kôi ngày càng phát triển về kinh tế-xã hội, vững về quốc phòng-an ninh…”