"Ðội quân tóc dài" xưa và nay

Nếu như trong chiến tranh, hình ảnh "Ðội quân tóc dài" của quê hương đồng khởi Bến Tre đã thể hiện ý chí và lòng yêu nước quật cường của phụ nữ Việt Nam, thì ngày nay, người phụ nữ Việt Nam với đức tính "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", đang vươn tới thực hiện tiêu chí "có lòng yêu nước; có sức khỏe; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu" góp phần thực hiện sự nghiệp CNH, HÐH của đất nước.

Nhiều chị em ở ấp Phú Lộc, xã An Ðịnh, huyện Mỏ Cày Nam được tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần thoát nghèo, nâng cao mức sống.
Nhiều chị em ở ấp Phú Lộc, xã An Ðịnh, huyện Mỏ Cày Nam được tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần thoát nghèo, nâng cao mức sống.

Chuyện "Ðội quân tóc dài" năm xưa

Bước vào tuổi 90, nhưng khi được hỏi về chuyện "Ðội quân tóc dài" đấu tranh chính trị thời xưa, cụ Nguyễn Thị Xinh, ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vui lắm. Ánh mắt tinh anh, giọng trầm ấm, cụ Xinh hồ hởi kể: "Ðấu tranh chính trị gian nan lắm, có lúc thắng, nhưng cũng có lúc bị đàn áp dã man". Có lần biểu tình ở thị trấn Thạnh Phú, lực lượng của ta kéo đi và hô vang khẩu hiệu "đả đảo đàn áp", "đả đảo Mỹ Diệm", thì chúng bắt ta chỉ hô to "đả đảo Cộng sản" thôi. Ðể tránh đàn áp, ta không hô bằng miệng mà sử dụng bảng đen ghi chữ, chia thành hai hàng đi song song trên đường. Hai người phía trước giơ cao hai chữ "đả đảo" thì ở đằng sau đưa lên hai chữ "Luật 10/59" và phía bên kia là "Hồ Chí Minh" thì người liền đó giơ chữ "muôn năm". Lúc thì đi gần, lúc thì hai hàng dạt ra hai bên đường. Vừa đi vừa nói "hai hàng đi gần lại", nhưng chân lại bước càng lệch ra xa để thành khẩu hiệu của hai hàng là "Ðả đảo Luật 10/59" và "Hồ Chí Minh muôn năm". Bọn địch tức lắm nhưng không làm gì được". Nhưng mọi người không thể cầm được nước mắt khi nghe cụ kể đến đoạn bị đánh chết đứa con trong bụng mà "tối hôm sau sanh tôi mới biết nó bị móp cái đầu, trếu hàm, mặt mày sưng húp".

Còn đối với cụ Nguyễn Thị Ðời, ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm thì "thà hy sinh chứ không làm lộ bí mật, không làm hại cách mạng". Giặc bắt cụ chỉ điểm cơ sở cách mạng, cụ lại dẫn giặc đến bãi mìn, làm cho chúng chết và bị thương rất nhiều, bản thân cụ cũng bị thương rất nặng. Chúng bắt cụ và cột hai chân kéo trên đường lột cả da đầu. Trường hợp cụ Phùng Thị Bùi, ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, mù cả hai mắt mà vẫn đi làm cách mạng, dùng lời ca và tiếng đàn đi đấu tranh. Ðối với cụ, "hát là để kích thích tinh thần, là xóa đi một phần mệt nhọc, nên thắng lợi hát đã đành, thất bại cũng hát".

Những tên tuổi trong "Ðội quân tóc dài" năm xưa như Nguyễn Thị Ðịnh, sau này là một nữ tướng Anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam; cô Nguyễn Thị Khao (Út Thắng), Tạ Thị Kiều hay cô Út Tuyết tay không cướp đồn giặc, các cô Nguyễn Thị Hồng, cô Bảy Tranh,... có tới hàng trăm lần đấu tranh với địch vẫn còn sống mãi với những câu nói nổi tiếng như: "Nếu tôi chết cũng đừng vội chôn. Bà con có thương thì cứ khiêng xác tôi đi đấu tranh đến cùng, đi tố cáo nó, dù rã thây cũng được".

Ðúng là họ đã dùng sức mạnh của quần chúng để đè bẹp bạo lực phản cách mạng. Họ đi trong đạn lửa, "đi như nước lũ tràn về" với khí thế hùng dũng và quyết liệt, đòi hòa bình, đòi chấm dứt tàn sát và khủng bố, đòi cơm áo và tự do. Họ đi bằng sức mạnh chính trị và có cả lực lượng vũ trang khi cần thiết, tạo nên phương thức tiến công địch đầy sáng tạo, mà nói gọn là phương châm "hai chân". Họ chọn đúng chỗ yếu của địch để phản kích, phân hóa và cô lập bọn ngoan cố, ác ôn, tranh thủ và lôi kéo được sự đồng tình của đa số những người bất đắc dĩ phải cầm súng cho giặc, làm binh biến, chiếm đồn, chiếm bót, trở về với chính nghĩa, mà sau này đúc kết thành phương châm "ba mũi giáp công" vô cùng lợi hại.

Từ bài học "tản cư ngược" trong cuộc đồng khởi trên đất Bến Tre năm 1960, "Ðội quân tóc dài" đã lan nhanh ra toàn miền, với nhiều hình thức phong phú suốt cả thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, góp phần bẻ gãy mưu đồ "quốc sách ấp chiến lược" - xương sống của "chiến tranh đặc biệt", cũng như trong "chiến tranh cục bộ" và "Việt Nam hóa chiến tranh".

Và phụ nữ Bến Tre hôm nay

Về xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho thấy, hoạt động của Hội Phụ nữ ở đây thật sự hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới với phương châm "Ðến từng ngõ, rõ từng nhà, ra từng việc, thường xuyên liên tục, mưa dầm thấm sâu". Châu Bình là xã đầu tiên trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của phụ nữ. Trọng tâm hoạt động của Hội thời gian qua là tập trung phát triển kinh tế để nâng cao đời sống. Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phạm Thị Phước: "Ðây là đòn bẩy để phát triển Hội vững mạnh". Ðó là công tác xóa nghèo, trên cơ sở khảo sát, Hội có kế hoạch giúp đỡ vốn, khoa học kỹ thuật bằng nhiều hình thức, giúp 227 chị phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ổn định. Hội còn xây dựng được 47 tổ tiết kiệm tín dụng với số tiền 60 triệu đồng, giúp 93 chị vay quay vòng sáu tháng. Bên cạnh đó, Hội còn có 47 tổ hội gồm 1.347 thành viên được tương trợ tiền không lấy lãi số tiền hơn 90 triệu đồng xoay vòng hằng tháng cho 47 chị. Bên cạnh công tác hỗ trợ vốn, Hội còn coi trọng công tác giám sát khai thác các nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội; có 96 chị vay số tiền hơn một tỷ đồng, tất cả đều sử dụng đúng mục đích và trả vốn đúng hạn...

Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre Võ Thị Thủy cho biết, phụ nữ Bến Tre hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống Anh hùng của "Ðội quân tóc dài" năm xưa với những hoạt động hết sức cụ thể trong phong trào "Ðồng khởi" mới: Ðó là các hội viên không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, luôn phấn đấu để trở thành người phụ nữ của thời kỳ CNH, HÐH đất nước với các đức tính tốt đẹp "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang"; phấn đấu thực hiện tiêu chí người phụ nữ Việt Nam "có lòng yêu nước, có sức khỏe, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu"; luôn chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng và luật pháp của Nhà nước, nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh. Ðó là thực hiện tốt vai trò người "giữ lửa" trong xây dựng hạnh phúc gia đình; phấn đấu xây dựng từng gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, từng bước củng cố tính bền vững của gia đình trong thời kỳ hiện nay, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.