Đổi mới tư duy trong phát triển công nghiệp

Vùng Đông Nam Bộ, trong đó hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng có chỉ số tăng trưởng nhanh, chất lượng tăng trưởng cao, đầu tàu phát triển công nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển toàn vùng chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng sẵn có của vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh).
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh).

Cần thẳng thắn nhìn nhận, vùng Đông Nam Bộ đang gặp nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Ngoài những khó khăn về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn…, việc thiếu liên kết trong chiến lược phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư là vấn đề cấp bách, cần được tháo gỡ. Đồng thời, các địa phương trong vùng cần đổi mới tư duy về phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới.

Phát triển chững lại

Có thể khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu là bốn trụ cột của vùng Đông Nam Bộ, là điểm tựa cho cả vùng phát triển. Vùng Đông Nam Bộ có vị trí thuận lợi cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, là vùng đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đáng chú ý, nơi đây hội tụ được nguồn nhân lực có trình độ cao, tay nghề tốt, phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ cao cấp, công tác nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học-công nghệ được đẩy mạnh. Mặt khác, vùng là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, bảo đảm cho việc phát triển đại đô thị thông minh trong vùng về sau.

Các yếu tố nêu trên, cùng với sự chủ động, sáng tạo của các địa phương trong vùng là tiền đề quan trọng thúc đẩy vùng phát triển nhanh, đóng góp hơn 40% tổng thu ngân sách, xấp xỉ 32% GDP, thu hút gần một nửa vốn FDI của cả nước, mặc dù vùng Đông Nam Bộ chỉ chiếm chưa tới 10% diện tích và 20% số dân cả nước.

Mặc dù là vùng có chất lượng tăng trưởng cao, nhưng theo các chuyên gia, từ năm 2018, tốc độ tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ bắt đầu có xu hướng hụt hơi, phát triển chậm dần so với mục tiêu nêu ra.

Gần đây, sức hút FDI của vùng có dấu hiệu suy giảm khi quy mô trung bình/dự án FDI ở vùng chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn mức bình quân cả nước 12,42 triệu USD. Trong phát triển công nghiệp, vùng chưa có thêm các sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao…

Ông Bùi Duy Hoàng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hàng loạt các ngành mũi nhọn như cơ khí, điện tử, ô-tô, xe gắn máy, đóng tàu, chế biến thực phẩm, thép, hóa dầu, giày da và may mặc, phần mềm, thiết bị hạ tầng thân thiện với môi trường sinh thái, thiết bị máy móc cỡ nặng, máy nông nghiệp… vẫn chưa có "mũi nhọn" nào "khoan sâu" vào thị trường thế giới, thậm chí vẫn loay hoay tìm hướng đi và phải dựa dẫm quá nhiều vào chính sách thuế của Nhà nước, sự bảo hộ để phát triển. Cùng với đó, các thách thức hiện hữu về ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm chất thải rắn… ngày càng diễn biến phức tạp. Cho đến nay, gần 40 năm thu hút đầu tư FDI và phát triển công nghiệp, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đều có khu công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy vẫn là ưu tiên hàng đầu hơn là các ưu tiên chính sách về tiêu chí môi trường và xã hội. Do vậy, phát triển công nghiệp bằng các mô hình khu công nghiệp truyền thống không còn phù hợp trong bối cảnh mới như chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0, tiêu dùng bền vững và sức khỏe người lao động trở thành vốn quý của xã hội. Hạn chế lớn nhất của các khu công nghiệp này là chậm đổi mới công nghệ, điều này dẫn đến tính bền vững công nghiệp trong bối cảnh mới sẽ gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi, hay nâng cấp công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.

Cấu trúc lại công nghiệp

Cấu trúc lại vùng theo hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn dựa trên hàm lượng khoa học-công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiêu cứu và phát triển… để đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu cấp thiết đối với vùng Đông Nam Bộ hiện nay. "Giai đoạn từ năm 2022 trở về trước, vùng phát triển chủ yếu dựa trên thâm dụng các yếu tố đầu vào như lao động ít kỹ năng, thâm dụng vốn, thâm dụng năng lượng, thâm dụng tài nguyên đất, hay nói khác đi là tăng trưởng hiện trạng chủ yếu từ các yếu tố đầu vào mặc dù tạo ra thu nhập bình quân đầu người cao hơn 40% so với mức trung bình cả nước, và hiện đang ở mức xấp xỉ hơn 6.000 USD/người tính vào thời điểm năm 2022", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, để phát triển bền vững, vùng cần kiến tạo hệ sinh thái hiệu quả cho việc chuyển đổi và phát triển các ngành hiện hữu theo cách tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với yếu tố ICT (công nghệ thông tin và truyền thông). Từng bước cấu trúc lại các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp có vị trí gần trung tâm các thành phố trong vùng theo hướng khu công nghiệp sinh thái. Đây là mô hình thích hợp dài hạn và bền vững cho giai đoạn hậu công nghiệp của các khu chế xuất-khu công nghiệp của vùng; đồng thời, sẽ định hướng dài hạn theo mô hình khu công nghiệp sinh thái với các biến thể kết hợp liên quan đô thị, thương mại, dịch vụ. Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh là một siêu đô thị thuộc vùng thực hiện thí điểm khu công nghiệp sinh thái cho Khu công nghiệp Hiệp Phước, sau đó, mở rộng ra các khu công nghiệp khác với biến thể sinh thái-đô thị-logistics. Mô hình này cũng cần nhân rộng ra các tỉnh khác trong vùng như Bình Dương, Đồng Nai cho các khu công nghiệp có tiềm năng chuyển đổi.

Các chuyên gia cũng cho rằng, vùng cần xác định lại ngành công nghiệp mũi nhọn, sản phẩm mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của vùng, cũng như xác định vị trí sản xuất, nơi cung ứng công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi liên kết sản phẩm tạo ra bước đột phá trong cung ứng và tiêu thụ. Đối với các ngành công nghiệp nền tảng, đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên có sự hỗ trợ của Nhà nước và có cơ chế ưu đãi. Các tỉnh, thành phố cần tập trung vào vùng kinh tế có thế mạnh công nghiệp tiên phong, có khả năng dẫn dắt tạo bước đột phá, hỗ trợ các vùng khác về lĩnh vực này. Đồng thời, vùng cần thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế dựa theo phân bổ nguồn lực của vùng (theo từng tỉnh), xây dựng các chỉ tiêu công nghiệp rõ ràng, tránh tình trạng xây dựng các chỉ tiêu công nghiệp rập khuôn tạo sức ép không cần thiết khi thực hiện phấn đấu các chỉ tiêu công nghiệp. "Việc cơ cấu lại cũng là cuộc cách mạng thay đổi cả về cơ chế quản lý vận hành và điều phối của Nhà nước trong một nền kinh tế thị trường bình đẳng và minh bạch. Vì vậy, liên kết vùng để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có định hướng mới trong phân công và hợp tác giữa các địa phương trong vùng", ông Bùi Duy Hoàng nhấn mạnh.