Đổi mới tư duy phát triển giáo dục Đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

NDO -

NDĐT - Ngày 21-7, tại tỉnh Phú Yên, Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy phát triển giáo dục Đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Đổi mới tư duy phát triển giáo dục Đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Đây là cơ sở cho cuộc nghiên cứu trong hai năm 2019-2020 về giáo dục Việt Nam. Tham gia tọa đàm có các giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ, nhà khoa học; Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Viện kinh tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng giáo dục, cùng nhiều trường đại học trong cả nước.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, sau sáu năm thực hiện Nghị Quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều bất cập, còn thiếu những điều cốt lõi để làm cuộc đột phá, cải cách toàn diện cho nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học Việt Nam. Luật giáo dục sửa đổi vừa mới có hiệu lực, nhưng cái gốc, cái nền của sự đột phá đổi mới là từ đâu?

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú, Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, tự chủ là chìa khóa nhưng vẫn chưa toàn diện, có phần chậm lại. 14 năm trước, Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ đã rất quyết liệt về đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2016-2020. Trong đó nêu rõ “Chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính”. Nghị quyết cũng xác định “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản”. Vậy những năm 2016 - tức 11 năm sau, Nghị quyết 89 của Chính phủ lại khẳng định “Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản”. Vì vậy, để đột phá chiến lược cho cuộc cách mạng này phải tính từ tư duy.

Còn theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, tư duy không đúng, không mạch lạc, không hệ thống thì việc thực hiện đổi mới giáo dục sẽ chắp vá, đi sai đường và tất nhiên không thành công.

Tọa đàm lần này nhằm đổi mới các tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học; hệ thống và mô hình tổ chức đào tạo đại học; tự chủ đại học; quốc tế hóa đại học ở Việt Nam và đổi mới tư duy về người thầy trong giáo dục đại học. Tập trung nghiên cứu sâu để có đóng góp thiết thực hơn với T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc đột phá để đổi mới tư duy phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.