Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở vùng cao Tuyên Quang

Thực hiện Đề án 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thời gian qua chất lượng sinh hoạt chi bộ tại các thôn, bản ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao đã có những đổi mới về cách thức tổ chức, nội dung sinh hoạt, từ đó phát huy tốt vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tiên phong gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Đảng viên và người dân thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tham gia đào móng xây nhà mới cho hộ nghèo.
Đảng viên và người dân thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tham gia đào móng xây nhà mới cho hộ nghèo.

Thôn Bản Pài, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn có 48 hộ, 186 nhân khẩu, 100% số dân là người dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Dao chiếm 92%. Là thôn thuần nông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, Chi bộ thôn luôn xác định lãnh đạo phát triển kinh tế, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Chi bộ Bản Pài có 15 đảng viên đều là dân tộc Dao. Trước đây, tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ chỉ đạt từ 70-80% do một số đảng viên trẻ đi làm ăn xa; một số đảng viên đi muộn về sớm hoặc vắng mặt không lý do. Bên cạnh đó, còn có đảng viên chưa tích cực tự phê bình, phê bình, đoàn kết xuôi chiều. Nội dung sinh hoạt chi bộ còn nghèo nàn, chỉ xoay quanh việc trồng trọt, chăn nuôi; việc ghi chép của đảng viên chưa đầy đủ.

Từ thực trạng nêu trên, cấp ủy chi bộ đã “tự soi, tự sửa”, quyết liệt trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chi bộ xây dựng quy chế, quy định đúng 14 giờ ngày 5 hằng tháng là thời gian sinh hoạt chi bộ; phân công cấp ủy viên thông báo, nhắc nhở đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ đúng giờ, nhất là đối với đảng viên đi làm ăn xa quê, đi làm nương, rẫy xa để chủ động sắp xếp dự sinh hoạt đúng theo quy định.

Điểm đặc biệt ở Bản Pài đó là mỗi buổi sinh hoạt, chi bộ dành thời gian thảo luận đưa ra các giải pháp lãnh đạo phát triển kinh tế. Trọng tâm là tinh thần nêu gương của các đảng viên; phân công đảng viên phụ trách từng hộ trong thôn, phụ trách hộ nghèo nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Với thế mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, đảng viên trong chi bộ đã gương mẫu thực hiện, vận động quần chúng làm theo. Năm 2007, ông Lý Văn Thân, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn là người trồng rừng đầu tiên của thôn. Hiện nay, mô hình trồng rừng của ông đã có diện tích gần sáu héc-ta. Thời gian qua, ông và các đảng viên của chi bộ chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp, tạo sức lan tỏa trong toàn thôn. Từ ba héc-ta rừng năm 2007, Bản Pài hiện có hơn 100 ha rừng sản xuất.

Bên cạnh đó, chi bộ cũng vận động người dân trong thôn nhận khoán bảo vệ 100 ha rừng phòng hộ trên địa bàn, cho nên nhiều năm qua không có vụ việc vi phạm phải xử lý. Không những vậy, chi bộ cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bên cạnh cây trồng truyền thống là lúa, cây ngô, còn vận động nhân dân trồng cây màu, cây ăn quả các loại.

Hiện nay, Bản Pài có 20 ha lúa, 14,4 ha ngô và 8,3 ha mía, bưởi và rau màu. Sản lượng lương thực đạt 125 tấn/năm; bình quân lương thực đạt 850-900 kg/người/năm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn.

Với những kết quả đạt được, Chi bộ Bản Pài, Đảng bộ xã Trung Minh, huyện Yên Sơn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang tặng bằng khen chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền (2017-2021). Đây là niềm tự hào, động lực để cán bộ, đảng viên, nhân dân khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Thực hiện Đề án 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhiều đảng bộ cơ sở ở Tuyên Quang đã xác định việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ. Cùng với đó, đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy ở cơ sở, nhất là các đảng bộ thuộc địa bàn vùng cao đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở.

Đội ngũ này ngày càng nâng cao nhận thức, kỹ năng lãnh đạo, cách thức điều hành sinh hoạt chi bộ, xác định đúng đắn, đầy đủ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện công tác đảng ngày một tốt hơn. Các chi bộ thôn luôn chủ động đổi mới về nội dung và hình thức sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt tại các chi bộ đều thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang Phạm Kiên Cường cho biết, trong sinh hoạt, các chi bộ đã thật sự mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của đảng viên, tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình. Việc ghi chép và lưu giữ các loại sổ sách của chi bộ được thực hiện đúng quy định.

Tùy đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của từng chi bộ, mỗi chi bộ tổ chức một hoặc một số buổi sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn những vấn đề phù hợp, sát với thực tiễn của chi bộ để chọn nội dung sinh hoạt, như đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực phát triển kinh tế...