Cách đây hơn 100 năm, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với khát vọng cháy bỏng là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1) đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, với quyết tâm cao độ và ý chí mạnh mẽ.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, Người về nước trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giải phóng dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng Tháng Tám không chỉ có ý nghĩa của cuộc giải phóng một dân tộc thuộc địa, bị nô dịch mà còn góp phần vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; góp phần hiện thực hóa tư tưởng giải phóng nhân loại của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975) và thực hiện đổi mới toàn diện, sâu sắc (từ năm 1986), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam phát huy khát vọng độc lập dân tộc và ý chí tự lực, tự cường vào xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(2), như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Qua 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa-xã hội có bước phát triển tích cực; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy và mở rộng, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; sức mạnh của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền của đất nước được giữ vững; quan hệ đối ngoại rộng mở và đang đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đến nay, Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn và thách thức sau: tốc độ phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, đời sống của nhân dân ở nhiều nơi vẫn còn khó khăn; mô hình phát triển chưa thực sự đổi mới, sáng tạo; việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; mức năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển; khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; văn hóa, xã hội, môi trường chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức; quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số mặt bất cập; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa được phát huy đầy đủ; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn một số hạn chế.
Để đạt các mục tiêu như Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đến năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(3), đòi hỏi phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển.
Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Nghị quyết Đại hội XIII xác định đột phá thứ hai là: “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(4). Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự xuất hiện và phát triển hàng loạt công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, internet vạn vật, kinh tế chia sẻ, công nghệ nano,... đang tạo ra những cơ hội lớn chưa từng có cho các quốc gia phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu biết tận dụng, đây là cơ hội để các nước đi sau có thể vượt lên, đón đầu trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu và làm chủ công nghệ mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.
Do tiếp thu thành tựu của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã thay đổi trên bảng xếp hạng thế giới. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới. Tuy vậy, sự thay đổi chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn chậm. Để tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần thực hiện tập trung vào những nội dung sau:
Một là, hoàn thiện thể chế phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo thông qua việc chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung cũng như các quy định của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý hiệu quả, hiệu lực cho đổi mới sáng tạo và quá trình chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số trong thời gian tới ở Việt Nam.
Hai là, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, kỹ thuật và công nghệ số quốc gia, tăng cường năng lực lãnh đạo và quản trị quốc gia nói chung và năng lực lãnh đạo, quản trị số nói riêng, cho đội ngũ cán bộ trung cao cấp toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ tư vấn, thực thi và giám sát thực thi pháp luật, chính sách về chuyển đổi số, kinh tế số, tiếp cận hiệu quả và thụ hưởng các dịch vụ từ nền kinh tế số và xã hội số.
Ba là, xây dựng chiến lược và giải pháp tổng thể, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả cho việc thực hiện các giải pháp đột phá về thể chế phát triển và thể chế chuyển đổi số, kinh tế số và hướng tới xây dựng xã hội số.
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm thành công của các quốc gia phát triển, gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam, để thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo.
Năm là, tăng cường nguồn lực tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số và xã hội số.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 4, tr.187.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2011, tr.70.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.36.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, tr.338.