Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

NDO - Ngày 20/9, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị trực tuyến, quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Tham dự hội nghị có hơn 5.000 đảng viên là cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

Đại biểu dự Hội nghị được nghe đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng quán triệt Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Trong đó, chú trọng mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Bên cạnh đó, đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức Đảng và đảng viên để phát huy, nhân rộng, kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm khi có vi phạm.

Chú trọng mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

Đồng chí Lê Nguyễn Nam Ninh, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quán triệt Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Những điều đảng viên không được làm và Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.

Đồng chí Lê Nguyễn Nam Ninh làm rõ những điểm mới của Quy định 69-QĐ/TW. Đó là quy định các hành vi mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn và dự báo về các vi phạm trong thời gian tới; điều chỉnh tăng nặng hoặc giảm nhẹ chế tài đối với vi phạm được quy định trước đây; xác định rõ động cơ, mục đích, hậu quả của vi phạm làm căn cứ áp dụng chế tài phù hợp và đồng bộ với quy định mới của Đảng và pháp luật với mục đích để tổ chức Đảng, đảng viên không muốn vi phạm và không dám vi phạm kỷ luật Đảng.

Hội nghị cũng nghe đồng chí Lê Thị Mỹ Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng quán triệt Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thực hiện Kết luận số 34-KL/TW của Trung ương, Kế hoạch số 84-KH/TU ngày 8/9/2022 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Kết luận số 34-KL/TW.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và cụ thể hóa triển khai các văn bản của Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, tác động trực tiếp đến việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong thời gian tới.

Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ và chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm với phương châm không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”; kiểm tra, giám sát phải theo phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị; chú trọng vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kê khai tài sản, thu nhập…

Cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; tăng cường trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Ủy ban Kiểm tra các cấp phải chủ động nhận diện, dự báo tình hình và tham mưu, giúp cấp ủy triển khai chương trình công tác kiểm tra, giám sát hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị.

Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

Công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện với tinh thần quyết tâm, quyết liệt theo phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”; không chờ kết quả của công tác thanh tra, điều tra; có lúc, có việc công tác kiểm tra của ủy ban kiểm tra đi trước, làm cơ sở, “mở đường” cho công tác thanh tra, điều tra của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Bên cạnh đó, cần chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; kịp thời xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngay tại cơ sở, chi bộ.

Về xử lý kỷ luật các tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, đồng chí Nguyễn Văn Quảng yêu cầu phải nghiêm minh, kịp thời, triệt để; đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và kỷ luật đoàn thể chính trị-xã hội.

Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

Thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc nếu phát hiện vi phạm liên quan đến đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý thì kịp thời chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến ủy ban kiểm tra cùng cấp để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng.