Với 31 khu công nghiệp hoạt động, Đồng Nai đang là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Trong bối cảnh sân bay quốc tế Long Thành và hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác những năm tới, Đồng Nai đang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển.
Trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước
Tỉnh Đồng Nai nằm trong tứ giác phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, có quy mô kinh tế lớn thứ tư cả nước.
Trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 55.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 1.600 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hơn 1.000 dự án đầu tư trong nước.
Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp với 48 khu công nghiệp theo quy hoạch; trong đó, có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất 10.500 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 86%.
Tỉnh thu hút được 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư với tổng vốn hơn 30 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 600.000 lao động. Các dự án thu hút đầu tư mới bảo đảm các tiêu chí về công nghệ tiên tiến, công nghiệp hỗ trợ không thâm dụng lao động.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã dần phục hồi và có bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm các địa phương cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt khoảng 140 triệu đồng/người, xếp thứ 7 cả nước.
Đồng Nai tiếp tục giữ vị trí là trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước, thuộc nhóm các địa phương tiên phong, là địa điểm hấp dẫn, thu hút mạnh đầu tư trong nước và quốc tế.
Tỉnh đã xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư mới, tổ chức xúc tiến, chuyển hướng thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc hơn với các dự án chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi xanh:
“Đồng Nai đang đứng trước nhiều cơ hội, đặc biệt, việc hoàn thành và đi vào hoạt động của sân bay quốc tế Long Thành trong thời gian tới sẽ tạo “cú huých” lớn, tạo cơ hội, điều kiện khai thác các động lực mới, tạo bước đột phá trong mô hình kinh tế của tỉnh”, bà Nguyễn Thị Hoàng nói.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh, nhưng gặp rất nhiều khó khăn trước sự biến động và suy giảm của thị trường thế giới, chậm phục hồi.
Ngành công nghiệp vẫn chủ yếu tập trung ở các ngành thâm dụng lao động phổ thông, nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 2,7-2,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Các ngành dịch vụ, đặc biệt dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, dịch vụ công nghiệp, dịch vụ logistics có phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng của một tỉnh công nghiệp, nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, được đánh giá là đắc địa mà ít địa phương có được.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên thẳng thắn cho rằng:
Chất lượng thu hút đầu tư chưa đạt được kỳ vọng, chưa thu hút được dự án tỷ đô, các tập đoàn lớn, đa quốc gia; phần lớn các khu công nghiệp hỗn hợp, thu hút đa ngành nghề, nhiều dự án thâm dụng lao động, hàm lượng khoa học-công nghệ chưa cao; suất đầu tư trên mỗi héc-ta đất công nghiệp chỉ đạt khoảng 18 tỷ đồng, thấp hơn giá trị trung bình của cả nước là 22 tỷ đồng.
Điều này, dẫn đến khả năng tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh, thành phố, dễ nhận thấy thông qua chỉ số tăng trưởng kinh tế, kết quả thu ngân sách, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, chăm lo cho người dân.
Do đó, thay đổi mô hình phát triển kinh tế là điều tất yếu là cấp thiết, nhất là trong bối cảnh xu thế chung của thế giới hiện nay.
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Từ đầu năm 2024 đến nay, hàng loạt quyết định quan trọng được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thông qua, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững.
Trong đó, phê duyệt đề án “Chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ và cải thiện môi trường; phê duyệt đề án giảm khí các-bon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với các khu công nghiệp hiện hữu, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua yêu cầu xây dựng lộ trình để chuyển đổi từ khu công nghiệp hỗn hợp sang mô hình khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái.
Trước mắt, Đồng Nai đang thí điểm chuyển đổi bốn khu công nghiệp, gồm: Amata, Long Đức, Suối Tre và Nhơn Trạch 6 sang mô hình khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái.
Cùng với đó, khu công nghiệp Hàng Gòn và ba cụm công nghiệp khác được xác định thực hiện theo mô hình chuẩn Net Zero. Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã đưa ra khung định hướng với năm trụ cột phát triển và sáu yếu tố hỗ trợ làm nền tảng để Đồng Nai hiện thực hóa mục tiêu năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, có việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu Net Zero năm 2050. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Đối với các dự án đầu tư vào tỉnh Đồng Nai phải là những dự án có hàm lượng cao về công nghệ, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao.
Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, tỉnh chú trọng phát triển ba nhóm sản phẩm mũi nhọn là công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và công nghệ thông tin.
Các dự án đầu tư vào Đồng Nai không được phép thâm dụng lao động; nâng cao năng suất và tăng chất lượng của người lao động; các nhà đầu tư phải quan tâm có chính sách chăm lo, giữ chân người lao động, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề để người lao động ngày càng có chất lượng cao hơn, hội nhập được môi trường lao động quốc tế:
“Đồng Nai sẽ lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển, lấy lợi ích của tỉnh làm mục tiêu cao nhất và duy nhất. Để làm được điều này, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng trong đón tiếp, thực hiện thủ tục, phê duyệt dự án đầu tư. Cùng với đó, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp”, ông Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Cách đây ít ngày, tại hội thảo khoa học “Đánh giá mô hình chất lượng tăng trưởng kinh tế Đồng Nai” do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng:
Phát triển kinh tế Đồng Nai bền vững dựa trên ba trụ cột chính là bền vững về kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo đó, đổi mới mô hình kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững dựa trên nền tảng lấy công nghiệp là trọng tâm, thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị cao và phát triển khu vực dịch vụ, lấy trọng tâm là sự phát triển của đô thị sân bay Long Thành và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp.