Đổi mới giáo dục bắt đầu từ đổi mới tư duy quản lý giáo dục

NDO -

Thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội thể hiện nhiều trăn trở về giáo dục, đào tạo. Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo các đại biểu, giáo dục đào tạo còn nhiều việc phải làm để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề biên soạn, sử dụng sách giáo khoa sao cho thiết thực và có hiệu quả.

Đại biểu Quách Thế Tản tại phiên thảo luận ở hội trường, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV
Đại biểu Quách Thế Tản tại phiên thảo luận ở hội trường, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV

Nhắc về việc xã hội hóa sách giáo khoa trong năm vừa qua, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thẳng thắn cho rằng đây là “một câu chuyện cay đắng rất đáng phải quên đi” nhưng đó lại là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Cũng theo đại biểu, trong khi câu chuyện xử lý trách nhiệm, xử lý lỗi sai của các bộ sách vẫn chưa được rõ ràng, minh bạch thì đến những ngày gần đây, dư luận lại có thêm những bức xúc mới, lo lắng mới liên quan đến chính sách nâng hạng dành cho giáo viên, về sự hợp nhất không rõ ràng của hai bộ sách giáo khoa, về sự nhập nhằng trong giá sách.

“Có không ít giáo viên, phụ huynh học sinh vẫn mang nhiều tâm tư, trăn trở gửi đến tôi ở kỳ họp cuối cùng này. Họ lo lắng rất nhiều, họ chờ đợi một phương hướng xử lý thật mạch lạc, một thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu sự tác động về các quy định liên quan của ngành giáo dục”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

Theo đại biểu, đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới phải đối mặt, phải thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện về nhận thức xã hội, hành vi con người với môi trường bên ngoài và lúc này giáo dục và đào tạo cần phải giữ vững vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, kiến tạo xã hội. Ở đó thế hệ hiện tại và tương lai cần phải được giáo dục và rèn luyện kỹ càng để có thể vượt qua những thách thức và biến động lớn lao. Không chỉ có truyền tải kiến thức, sứ mệnh mới của giáo dục còn phải hướng đến việc rèn luyện cho học sinh, sinh viên có khả năng thích ứng, linh hoạt, kỹ năng số thuần thục, kích hoạt năng lực phối, kết hợp, nâng cao ý thức tự giác về nghĩa vụ, không chỉ là nghĩa vụ mang tính chất cá nhân đơn thuần mà là nghĩa vụ giữa cá nhân với xã hội. Nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục đó chính là trao quyền và tôn trọng sự sáng tạo, là khai phóng sức mạnh nội lực con người.

“Tôi mong Chính phủ và các nhà quản lý điều hành lĩnh vực này hãy sử dụng sức mạnh của những bộ óc thông tuệ, trí tâm, tử tế để có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, nhân văn. Suy cho cùng, đổi mới giáo dục còn bắt đầu từ đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục”, đại biểu nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình), giáo dục, đào tạo bên cạnh những thành tựu rất lớn, rất đáng tự hào của nền giáo dục Việt Nam hơn 70 năm qua, chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm để khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó có việc chỉ đạo sát sao hơn nữa, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa Luật Giáo dục năm 2019, nhất là việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề biên soạn, sử dụng sách giáo khoa sao cho thiết thực và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần quan tâm hơn nữa việc giáo dục toàn diện, nhất là về đạo đức của học sinh trong và ngoài nhà trường, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa ba môi trường giáo dục, tức là nhà trường, gia đình và xã hội để góp phần tích cực vào việc đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn như trong Luật Giáo dục đã quy định và chủ trương của Đảng và Nhà nước; quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các Nghị quyết, các Quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục phổ thông, về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập…