Ngồi trong phòng làm việc, lần giở những trang lịch sử Đảng bộ huyện Ba Tơ, đồng chí Trần Quang Tòa, Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ trân trọng giới thiệu khái quát những hoạt động kiên cường của đội du kích Ba Tơ ngày ấy và khẳng định: Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra ngày 11-3-1945 đã giành chính quyền đầu tiên trong cả nước và nhanh chóng lan rộng như tiếng kèn xung trận thúc giục quân và dân trong tỉnh nổi dậy cướp chính quyền.
Và ngay sáng 12-3-1945, đội du kích Ba Tơ ra đời có 28 đồng chí, với 24 khẩu súng do các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn trực tiếp chỉ huy. Sau khởi nghĩa Ba Tơ, tình hình địch - ta có những biến chuyển phức tạp, đội du kích Ba Tơ phải di chuyển địa điểm liên tục để bảo toàn lực lượng và bí mật tổ chức luyện tập quân sự. Chiều 14-3-1945, đội đã di chuyển về Hang Én và tổ chức lễ tuyên thệ dưới cờ Đảng - "Hy sinh vì Tổ quốc".
Đêm cũng như ngày, ở giữa núi rừng gió lạnh thấu xương, thiếu thốn trăm bề, nhưng các chiến sĩ du kích Ba Tơ vẫn không nao núng, vững vàng luyện tập, củng cố lực lượng đủ mạnh. Từ đây, đội tiếp tục di chuyển lên vùng núi Cao Muôn, xã Ba Vinh lập căn cứ và mở chiến dịch đánh địch với những chiến công vang dội, làm cho quân Nhật khiếp sợ, không dám hành quân càn quét, đàn áp đồng bào ở vùng núi Ba Tơ ngày ấy.
Đến tháng 5-1945, trước yêu cầu của tình hình mới, đội du kích Ba Tơ chuyển về Trung Châu đứng chân hai cánh ở chiến khu Núi Lớn (Mộ Đức) và Vĩnh Tuy (Sơn Tịnh). Từ đây đội ra sức tập luyện quân sự, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực và phát triển lực lượng. Lúc này hàng nghìn quần chúng tự nguyện tham gia vào đội du kích Ba Tơ và hình thành hai đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám, do các đồng chí Phạm Kiệt, Trần Công Khanh làm đại đội trưởng...
Như vậy chỉ sau một thời gian ngắn, từ 28 chiến sĩ du kích Ba Tơ đã nhanh chóng phát triển lên hàng nghìn đội viên với kinh nghiệm đấu tranh vũ trang thắng lợi, trở thành lực lượng nòng cốt hỗ trợ quần chúng đứng lên giành chính quyền trong khởi nghĩa cách mạng tháng 8-1945 tại Quảng Ngãi. Đây là lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên và cũng là đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu V, một bộ phận quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. "Đội du kích Ba Tơ là hạt nhân của phong trào cách mạng Quảng Ngãi trong thời gian này.
Những chiến sĩ của đội du kích ngày ấy sau này nhiều người đã trưởng thành và trở thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam như Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Võ Thứ..." - Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Trần Quang Tòa nhấn mạnh.
Về huyện miền núi Ba Tơ anh hùng, tôi đã nghe đồng bào nhắc những câu chuyện về cố Trung tướng Phạm Kiệt. Nhiều già làng còn nhớ như in: Sáng 11-3-1945, nhân dân tập trung mít-tinh rất đông. Cả núi rừng như thức giấc bởi tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng tù và vang khắp núi rừng báo hiệu ngày vui. Ông Phạm Kiệt và các lãnh đạo đội du kích Ba Tơ tuyên bố: "Du kích Ba Tơ đã đánh đuổi quân thù, chính quyền từ nay đã về tay nhân dân". Ông Phạm Đức Trinh (91 tuổi), dân tộc Hrê, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ giai đoạn 1968-1975 kể lại: "Hồi đó, từ ngoài bắc, Trung tướng Phạm Kiệt gửi về cho huyện một khẩu súng ngắn và những lời thăm hỏi đồng bào. Thường vụ Huyện ủy quyết định giao cho tôi giữ khẩu súng này...".
Tại Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ, cô hướng dẫn viên mặc trang phục thổ cẩm của đồng bào Hrê giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Trung tướng Phạm Kiệt. Những người đến xem đều thán phục sự dũng cảm và mưu trí của những đội viên du kích Ba Tơ ngày ấy.
Ngày 11-3-1945, đội trưởng du kích Ba Tơ - Phạm Kiệt đã chỉ huy đội mưu trí đánh chiếm đồn địch, huy động nhân dân tạo thành dòng thác cách mạng tiến lên giành chính quyền. Bảo tàng còn lưu giữ khẩu súng ngắn Braoning mà cách đây hơn 69 năm, người đội trưởng du kích Ba Tơ Phạm Kiệt đã cùng đồng đội xông vào cướp đồn giặc. Đội du kích Ba Tơ ngày ấy, dưới sự chỉ đạo của người đội trưởng du kích tài ba đã nhanh chóng trở thành ngọn lửa khởi nghĩa lan tỏa khắp vùng. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhận cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi và thành lập đội du kích Ba Tơ" "Đây là đội vũ trang thoát ly đầu tiên ở miền trung do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo, là hạt nhân của quân đội nhân dân Liên khu V sau này." (★) .
Ghi nhớ công lao của ông, ở Quảng Ngãi hiện đã có ba ngôi trường ở các huyện Ba Tơ, Sơn Tịnh và Sơn Hà mang tên Phạm Kiệt. Về thăm Trường THCS Phạm Kiệt ở xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh), các thầy giáo, cô giáo tâm tình: "Chúng tôi thường xuyên giáo dục các em phải cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức tốt để xứng danh với tên gọi của ngôi trường Phạm Kiệt". Ngôi nhà lưu niệm của Trung tướng Phạm Kiệt được trưng bày hàng trăm tấm ảnh và hiện vật, giờ đã trở thành nơi tham quan của người dân, qua đó hiện lên những khoảnh khắc bình dị trong đời vị tướng chỉ huy tài tình và tấm lòng nhân hậu.
Còn Đại tá Phạm Hương, hiện ở phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi -một trong 28 thành viên đội du kích Ba Tơ, hiện đã gần 96 tuổi, tuy dòng ký ức không còn liền mạch, nhưng những tháng ngày sôi động ấy vẫn luôn trong tâm trí ông. Trong số 28 người sáng lập đội du kích Ba Tơ ngày ấy, nay chỉ còn hai. Đó là Trung tướng Nguyễn Đôn và Đại tá Phạm Hương. Tôi còn nhớ, tại lễ kỷ niệm 65 năm khởi nghĩa Ba Tơ và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đội du kích Ba Tơ vào ngày 11-3-2010, Đại tá Phạm Hương được đại diện đội du kích năm xưa phát biểu ý kiến vẫn còn nguyên niềm xúc động sâu sắc về một thời quá khứ hào hùng...
Trở lại cái nôi của đội du kích Ba Tơ ngày ấy trong cơn mưa chiều muộn giữa tháng 11 này, chúng tôi tìm hiểu chiến khu Cao Muôn, nơi đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng, đoàn kết Kinh - Thượng.
Rồi bãi Hang Én, chiến khu Nước Sung, di tích chiến thắng Đá Bàn, Giá Vụt và nhà lưu niệm Trần Quý Hai, Trần Toại... Qua đó, những trang ký ức hào hùng của mảnh đất anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lần lượt ùa về... Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong phấn khởi cho hay, ngoài quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, quân và dân trong huyện luôn cố gắng gìn giữ và trân trọng những di tích lịch sử -một trong những điểm son tô thắm lịch sử dân tộc. Năm 1995, địa phương đã đầu tư phục dựng các hạng mục công trình di tích là nơi thành lập đội du kích Ba Tơ và Tiểu đoàn 19.
Năm 2012, huyện đã khánh thành Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ và mới đây, vào đầu tháng 8-2014, người dân Ba Tơ lại hân hoan đón chào công trình nâng cấp Khu di tích Ba Tơ do Bộ Tư lệnh Quân khu V làm chủ đầu tư với số vốn hơn năm tỷ đồng.
Giờ đây, đứng dưới chân núi Cao Muôn sừng sững, nơi còn in dấu chân của đội du kích Ba Tơ năm xưa, tôi thầm nghĩ những chiến công nơi đây đã góp phần tô thắm trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
(★) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập I: 1920-1954, NXB Sự thật - 1984, trang 397.