Đọc sách: Thân mến nói câu yêu đời

NDO -

NDĐT - Thêm tập thơ mới trên hành trình cần mẫn sáng tác, làm báo của Khúc Hồng Thiện, nhà thơ, nhà báo, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hưng Yên, hiện công tác tại Báo Nhân Dân cuối tuần.

Đọc sách: Thân mến nói câu yêu đời

Đây cũng là tác phẩm được Hội Văn học nghệ thuật chọn đầu tư – hỗ trợ một phần chi phí in ấn. Việc cũng thường tình như bao sự đầu tư khác, nhưng có phần đáng chú ý khi tác giả hiện không sinh sống, công tác ở tỉnh nhà.

Từ những vốn liếng cổ truyền, dấu vết dân gian, những dáng nét mềm mại, lành hiền của một dạo trước rời ghế giảng đường viết văn – báo chí, qua thời gian cần mẫn, bền bỉ làm nghề, từ không gian phố Hà Nội đến với nhiều tỉnh, thành trong nam ngoài bắc, đi thực tế biển đảo…, Khúc Hồng Thiện “mở mình” ra hơn để rung động cùng những nhịp chuyển đời sống, xã hội. Và hình như, phải dấy lên cũng băn khoăn lắm, trước thế sự nhiều nỗi niềm, tác giả mới vừa hiền hậu nhưng cũng rất mạnh bạo và thầm nhắn gửi khi chọn cái tên “Cùng nhau nhân từ” cho tập thơ này, tập thơ thứ hai của mình.

Tác giả tỏ ra thành thục và linh hoạt khi triển khai những ý thơ tạo dựng không khí thiêng liêng, mang những suy tư hướng về cội nguồn, về những công lao xưa và nay góp cùng nước non, bờ cõi. Những hành động mang tính hào hùng, thể hiện nghĩa khí, tâm, tài, trí những con người ấy, cần là tâm niệm cho người hôm nay. Bài “Mưa rửa đền”, tác giả viết; “Mưa rửa đền, mưa thanh tân/ngàn năm Nghĩa Lĩnh còn vần vũ mưa/áo tơi nón lá ngày xưa/vua cùng dân, dân cùng vua cấy cày…”. Bài “Lục bát đảo chìm”, từ vẻ hùng vĩ mang nét suy tưởng “Sóng thành thực sóng suy tư/gió chân thật gió mây vừa tượng trưng/cồn lên dăm ngọn cát lừng/vẽ trên ảo giác mấy từng san hô…”, nhà thơ nối về dung dị, thân thương: “…mưa nguồn, chớp bể, đảo xa/nghe trong gió lộng vẫn là tiếng quê”.

Nghĩ đời, ngẫm người, nhìn trông thế sự nhưng bằng con mắt mến thân, gần gũi, là một nét trong tập thơ này. Vận dụng lục bát, tác giả đẩy đưa những hình ảnh, chi tiết đời thường có thể khiến người ta nghĩ xa xôi, nhưng cảm được lòng chân thật. Như trong bài “Nghe em hát giữa đại ngàn”: “…Bao nhiêu gió bụi ngoài kia/có thương thì hãy đi về cùng nhau/trời làm một trận mưa mau/ai che mà vẫn ướt đầu em tôi…”. Và đan xen trong ấy, lại có những cảm tình riêng bâng khuâng từ những kỷ niệm đường dài: “…Mây buồn trôi phía thong dong/Áo ai vẫn trắng một vùng sông khuya/Bến Hàn có lạnh không? Kìa/Một người đứng ném thia lia qua cầu” (Sông Hàn), “…Em về làm trái mùa đông/Mây rơi lòng chảo cải ngồng thành dưa/Ban chưa hết trắng bao giờ/Gió còn sơn nữ trời vừa Điện Biên…” (Ban trắng miền biên viễn)…

Những câu thơ như thế, có thể đem lại cho người đọc xúc cảm nhẹ nhàng, cùng với mong muốn, thơ Khúc Hồng Thiện sẽ từ những điểm ấy mà đi tiếp. Cùng với sáng tác, viết báo, nhà thơ cũng đang hăng hái thực hiện ý muốn được nhân từ của mình một cách ý nghĩa thông qua thư viện gia đình – thư viện Hồng Châu mà anh mở tại khuôn viên gia đình tại quê nhà, cho bà con, trẻ em trong xóm, xã cuối tuần đến mượn sách, đổi sách. Nhiều đồng nghiệp văn bút thuộc các thế hệ, đã hưởng ứng, tặng sách để chỉ qua thời gian ngắn, thư viện Hồng Châu có lượng sách phong phú, bắt đầu trở nên cuốn hút, hấp dẫn với người dân sở tại.

Tin rằng, tập thơ mới “Cùng nhau nhân từ” của chính Khúc Hồng Thiện, cũng sẽ được tác giả tự hào xếp trên giá trong thư viện nhỏ của mình, để mời mọi người đọc, với tập thơ đầu tay của anh “Chênh chao tích chèo” (NXB Hội nhà văn, 2010), để cùng cảm nhận và sẻ chia ước muốn sống đẹp, sống có ích.