Độc đáo lễ hội cầu mưa của đồng bào Thái ở Sơn La

Từ xưa, tại vùng Tây Bắc có câu: "Người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước". Do vậy, nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái. Nước còn là chủ thể chính trong nhiều lễ hội truyền thống của người Thái, trong đó phải kể đến lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc Thái ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy mo và những người già trong bản thực hiện các nghi thức xin thần đất để tổ chức nghi lễ tại một địa điểm đã được lựa chọn trước.
Thầy mo và những người già trong bản thực hiện các nghi thức xin thần đất để tổ chức nghi lễ tại một địa điểm đã được lựa chọn trước.

Lễ hội cầu mưa hình thành từ xa xưa và lưu truyền qua nhiều thế hệ trong cộng đồng các bản Mường của dân tộc Thái, được tổ chức vào rằm tháng 2 âm lịch hằng năm.

Ðối với dân tộc Thái ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, lễ hội cầu mưa được coi là dịp trọng đại nhất trong năm. Từ trước ngày diễn ra lễ hội hằng tháng, mọi người đã chuẩn bị chu đáo đồ cúng lễ là những sản vật gắn với đời sống thường ngày như: cơm lam, cá xông khói, gà luộc, gạo nếp, trứng gà, măng đắng... Ðặc biệt không thể thiếu cây vạn vật được trang trí bằng các con chim, con ve đan bằng nan; bên cạnh những lồng nan đựng trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai và sản vật địa phương… Bà con quan niệm, chuẩn bị lễ cúng một cách thành kính và đủ đầy là cách để thể hiện tấm lòng của dân bản với trời đất, thần linh.

Ông Lường Văn Sinh, Trưởng bản Nà Bó 1, xã Mường Sang, cho biết: Những dịp lễ hội cầu mưa, chúng tôi phân công cụ thể cho từng đoàn thể trong bản, hội phụ nữ, hội người cao tuổi khâu, hội thanh niên,… đi lấy vật liệu để đan lát và làm các quả còn, trang trí các cây vạn vật…

Ngay từ sáng sớm của ngày làm lễ, sau khi thực hiện xong các nghi thức xin thần đất để tổ chức nghi lễ tại một địa điểm đã được lựa chọn trước, thầy cúng và đại diện nam nữ của bản mặc những bộ trang phục truyền thống mới nhất, sẽ rước cây vạn vật. Người gõ chiêng, người đánh trống, mang theo ống tre để nước, đi dọc theo con đường liên bản múa điệu múa truyền thống cùng chiếc khăn piêu với tâm trạng háo hức và vui mừng. Ðoàn người vừa đi vừa gọi cửa từng gia đình để rủ nhau đi lễ hội. Sau cùng, đoàn người cùng nhau đến mó nước đầu nguồn để làm lễ xin nước về tổ chức cho lễ hội.

Bà Lò Thị Tập, dân tộc Thái ở bản Nà Bó 1, chia sẻ: Dân bản cầu xin "Mường trời" cho mưa xuống để trồng ngô, ngô tốt, trồng lúa, lúa bội thu, đời sống nhân dân ấm no. hạnh phúc.

Nghi thức lễ hội cầu mưa được thầy mo đảm nhiệm và mọi người tập trung lại cầu nguyện. Thầy mo đọc bài cúng kể cho ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa, cầu xin ông trời ban mưa xuống cho ruộng đồng, cây cối tốt tươi. Kết thúc bài cúng, ông Then sẽ tuyên bố ban nước cho dân làng, để bà con có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Ngay sau khi kết thúc phần lễ cầu mưa, để tỏ lòng thành kính với "Mường trời" và vui mừng khi ông Then đã đồng ý cho mưa xuống, những người tham gia lễ hội cùng du khách hòa nhịp vào tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng trong vòng xòe đoàn kết.

Bà Ðinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu cho biết: Lễ hội cầu mưa cũng như các lễ hội khác của dân tộc Thái ở Mộc Châu đã được huyện phục dựng, đồng thời tuyên truyền cho người dân tiếp tục duy trì và phát huy. Huyện đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận lễ hội cầu mưa là di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trắng và tạo sản phẩm du lịch đa dạng độc đáo thu hút đông đảo du khách đến với Mộc Châu.

Độc đáo lễ hội cầu mưa của đồng bào Thái ở Sơn La ảnh 1

Thầy mo dẫn đầu đoàn người đi dọc con đường liên bản để gọi bà

con dân bản cùng tham gia lễ hội, họ vừa đi vừa gõ chiêng đánh trống và nhảy múa.

Độc đáo lễ hội cầu mưa của đồng bào Thái ở Sơn La ảnh 2

Thầy mo chủ trì buổi lễ để xin ông Then cho mưa xuống giúp dân

bản có được một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.