NGHỀ khai thác yến sào có từ nhiều thế kỷ. Trước thế kỷ 13, người Chăm đã biết khai thác loại sản phẩm quý hiếm và giá trị dinh dưỡng cao này. Được ví là "vàng trắng", yến sào là sản vật được xếp hàng cao cấp trong thực đơn của vua chúa thời phong kiến. Tại Cù Lao Chàm, yến sống trong các hang đá không có người tìm đến, rất cheo leo và hiểm trở. Trước đây, yến sào được giao cho các công ty lớn của tư nhân đấu thầu. Sau năm 1975, việc khai thác yến sào do nhà nước quản lý. Đây cũng là nguồn thu ngân sách đáng kể cho Thành phố Hội An.
Đến đầu thời kỳ nhà Nguyễn, họ Hồ và một số họ tộc khác ở Thanh Châu (nay thuộc xã Cẩm Thanh, Hội An) được giao nhiệm vụ khai thác yến tại Cù Lao Chàm trong đó ông Hồ Văn Hòa làm Hộ trưởng rồi đến con ông là Hồ Văn Học kế thừa, quản cả "Tam tỉnh yến hộ" gồm Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa. Để tưởng nhớ các bậc tiền nhân, vào năm 1848 (triều Vua Tự Đức) ông Hòa đứng ra xây hai ngôi miếu, một trong đất liền tại xã Thanh Châu và một tại Cù Lao Chàm để thờ tổ, lấy ngày 10 tháng ba âm lịch làm lễ cúng nghề. Từ đó đến nay dân làng vẫn duy trì cúng tế.
Ngày nay việc cúng tổ nghề yến còn mang ý nghĩa cúng cầu an lành cho làng quê một năm mùa màng tươi tốt, người dân khỏe mạnh, là một nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân xứ đảo. Lễ hội năm nay, du khách, các chủ nhà yến tư nhân, các cơ sở kinh doanh nghề và sản phẩm yến các vùng, miền mang lễ vật, hương đèn, hoa quả đến dâng bàn thờ tổ, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã truyền lại nghề đặc biệt này.
Lễ tế năm nay diễn ra theo nghi lễ truyền thống do Đội khai thác yến Thành phố Hội An với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đơn vị, cá nhân liên quan hoạt động khai thác yến tại đây tổ chức. Ngày trước lễ, Ban tổ chức phân công mọi người dọn dẹp nơi thờ tự tại lăng tổ ở Bãi Hương. Đến sáng ngày 10, các đoàn, cá nhân có liên quan đến nghề yến trình tự dâng hương và vật phẩm. Sau nghi lễ cúng nghiêm trang, địa phương còn tổ chức các môn thể thao dân gian cho du khách và người tế lễ tham gia.