Cấu trúc độc đáo
Hàng nghìn năm nay những dòng nước trong veo từ các giếng cổ ở xã Gio An luôn tuôn chảy, không bao giờ khô cạn. Mùa hè nước mát rượi, mùa đông nước giếng lại ấm áp, cung cấp nguồn nước không chỉ phục vụ cho sinh hoạt của con người, mà còn hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Từ người Chăm đến người Việt, trải qua thời gian, những công trình khai thác nước được xây dựng bằng đá xếp lại với nhau đã trở thành một trong những sản phẩm văn hóa đặc sắc.
Cơ bản giếng có ba loại. Thứ nhất, loại có cấu trúc với nhiều thành phần liên hoàn tạo thành hệ thống với các bể lắng, máng dẫn, bể hứng, các mương bên cạnh những hồ chứa, đập nước cùng tham gia vào quá trình lưu thông dòng chảy, đó là các giếng: Ðào, Trạng, Máng, Gai. Loại thứ hai có cấu trúc đơn giản, gồm một, hai thành phần với bể lắng và mương dẫn như giếng Ông (dành cho đàn ông tắm), giếng Bà (chỉ có phụ nữ tắm). Loại thứ ba như một giếng khơi được xây dựng ở ngay chân đồi, nơi có mạch nước ngầm, rồi thả những bi giếng được chế tác bằng đá chồng lên nhau tạo thành vách nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc tự dâng, tự chảy.
Theo nhà nghiên cứu Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, hệ thống giếng cổ Gio An là sản phẩm văn hóa phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử, không chỉ ghi dấu ấn các lớp cư dân, mà còn thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, tính liên tục của một di sản văn hóa; minh chứng cho giá trị hữu dụng, bền vững vì mục đích phục vụ đời sống con người.
Phát huy giá trị
Hệ thống giếng cổ đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 2001 với 14 giếng tiêu biểu. Năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã giao cho ngành chức năng tiến hành các thủ tục lập hồ sơ trình Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho “Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị”, điểm nhấn là Gio An.
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, Võ Đắc Hóa cho biết, các giếng cổ Gio An vẫn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư. Trong những năm qua, bằng các nguồn kinh phí, huyện Gio Linh đã đầu tư nhiều tỷ đồng tu sửa, tôn tạo giếng Đào, giếng Trạng, giếng Máng, giếng Gai nhằm phục vụ sinh hoạt của người dân và khai thác du lịch cộng đồng. Huyện đã chọn thôn An Nha của xã Gio An là thôn đầu tiên thí điểm phát triển du lịch cộng đồng để nhân rộng mô hình. Sắp tới, huyện Gio Linh sẽ gắn kết hệ thống giếng cổ vào tour du lịch của tỉnh.
Để hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị đã mở các lớp đào tạo cách làm du lịch cho hội viên các đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và người dân thôn An Nha, xã Gio An. Chọn những nhà dân đủ tiêu chuẩn xây dựng mô hình “du lịch xanh” giúp du khách được hòa mình vào đời sống sinh hoạt nông thôn.