Truyền thuyết về đền Đồng Cổ cho hay, thôn Khả Lao-Đan Nê ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định hình thành vào khoảng thời Hùng Vương thứ nhất và theo “Đại nam nhất thống chí”, miếu Đồng Cổ có từ năm 2569 trước Công nguyên. Tương truyền vua Hùng thứ nhất trên đường dẫn quân đi chinh phạt giặc Hồ Tôn đã lưu lại chân núi Khả Lao thôn, được thần miếu báo mộng sử dụng dùi, trống đồng sẽ có thêm sinh lực. Vua làm theo và tiếng trống đồng đã khích lệ quân sĩ dũng cảm, bản lĩnh xung trận; còn âm thanh của trống vang xa khiến quân giặc hồn xiêu, phách lạc. Thắng trận trở về, vua Hùng lễ tạ, ban phong thần miếu Khả Lao thôn là Đồng Cổ đại vương (tức thần Trống Đồng).
Thanh Hóa được xác định là khu vực trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn từ thuở vua Hùng dựng nước và tín ngưỡng thờ thần Trống Đồng hiện tồn tại duy nhất ở đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ, huyện Yên Định. Qua vòm cổng cuốn bằng đá dẫn lối vào đền Đồng Cổ nằm trong thung lũng núi Tam Thai, làng Đan Nê, thủ từ Trịnh Trọng Tấn cho hay: Thần Đồng Cổ được thờ vọng tại một số ngôi đền lớn ở Hà Nội nhưng đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê được xác định là nơi thờ chính.
Lịch sử Đảng bộ xã Yên Thọ ghi: Theo thần phả đền Đồng Cổ ở làng Nguyên Xá-Từ Liêm (Hà Nội), vào những năm 40, nhân dân Khả Lao thôn tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã rước theo bài vị, chân hương từ miếu Đồng Cổ ở Khả Lao ra thờ thần ở làng Nguyên Xá. Bản dịch “Linh tích núi Tam Thai” của Nguyễn Dật Sảng thông tin thêm: Lý Phật Mã cho rước, lập đền thờ thần Đồng Cổ ở Thăng Long, khai lập nên Hội thề Trung Hiếu được tổ chức thường niên dưới các triều đại phong kiến tập quyền.
Linh ứng, đồng hành cùng vua, chúa, thái tử, tướng lĩnh trong chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, thần Đồng Cổ được ban nhiều sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Việc thờ phụng, suy tôn thần Đồng Cổ trường tồn, hiển linh và những sự tích lưu truyền về khu vực núi và đền Đồng Cổ góp phần làm sáng rõ hơn sự phát triển của lịch sử Việt Nam, từ thời Tiền-Sơ sử đến các sự kiện được biên niên trong chính sử các triều đại phong kiến tập quyền.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Định Nguyễn Thị Thúy cho biết: Đền Đồng Cổ có giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, từng bảo tồn trống đồng bảo vật, hiện tại ở đây trưng bày phiên bản trống đồng-hiện vật tiêu biểu, đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Di tích núi và đền Đồng Cổ được công nhận di tích quốc gia năm 2001. Giá trị di tích, di sản được trao truyền, bảo lưu bền vững trong tâm thức, đời sống cộng đồng.
Người dân Đan Nê truyền dạy cho các thế hệ việc bài trí, sắp đặt các mâm lễ vật để cúng tế cùng nghi thức: Lễ cáo, rước nước, mộc dục, rước kiệu thần Đồng Cổ về đình Phúc khai hội cầu phúc trước một ngày, rồi rước thần về đền Đồng Cổ tổ chức đại tế, khai hội. Ngoài thực hành nghi lễ theo phong tục cổ truyền, phần hội đền Đồng Cổ thường diễn ra sôi nổi, kéo dài cùng các trò chơi dân gian như kéo co, chơi cờ người, bịt mắt bắt vịt, đua thuyền trên hồ...
Lễ hội đền Đồng Cổ mang ý nghĩa cầu mùa, cầu cho quốc thái, dân an; tập hợp, thu hút người dân tham gia các hoạt động vui tươi, lành mạnh, bổ ích, đậm đà bản sắc dân tộc. Linh tích về thần Đồng Cổ là chứng tích lịch sử từ thời Hùng Vương kéo dài qua các triều đại phong kiến và lễ hội cố kết cộng đồng, tôn vinh đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trao truyền thuần phong, mỹ tục, đề cao lối sống gần gũi thiên thiên, thân thiện môi trường. Trưởng làng Đan Nê Lê Trương Vân cho biết: Người dân trong làng là chủ thể quản lý, điều hành, thực hành nghi lễ, diễn trình Lễ hội đền Đồng Cổ; được thụ hưởng, tham gia sáng tạo văn hóa. Cộng đồng bảo lưu, trao truyền tri thức bản địa, các trò chơi, trò diễn dân gian.
Đền Đồng Cổ gần các điểm đến: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm hợp tác xã Yên Trường năm 1961, Làng du lịch Yên Trung, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, gắn kết với di tích khảo cổ học ở núi Quân Yên, núi Nuông, huyện Yên Định, núi Đọ ở thành phố Thanh Hóa cho nên có tiềm năng để phát triển du lịch, kết nối làm lan tỏa, phát huy giá trị di sản.
Năm 2024 Trung tâm nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản. Theo đó, Lễ hội đền Đồng Cổ được nhận diện rõ hơn về nguồn gốc, quy trình thực hành, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, sức sống của di sản; hoàn thiện hồ sơ đề cử và Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Thọ Lê Phi Cường cho biết: Tỉnh Thanh Hóa triển khai và đã hoàn thành dự án xây dựng, bảo tồn, tôn tạo đền Đồng Cổ giai đoạn 1 và giai đoạn này có thêm Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc duy trì, tổ chức lễ hội hằng năm là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống đương đại, góp phần giáo dục, định hình tâm lý hướng về nguồn cội, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thắt chặt tính cố kết cộng đồng, nhân thêm sức mạnh đại đoàn kết trong thời kỳ xây dựng quê hương, đất nước.