Độc đáo đám cưới của người Pa Cô

Theo truyền thống người Pa Cô, con trai hay con gái, sau một thời gian tìm hiểu yêu đương và quyết định tiến tới hôn nhân phải làm lễ báo cáo cho hai bên gia đình. Đây là nghi lễ thể hiện sự kính trọng của con cái đối với các bậc sinh thành. Được sự đồng ý của bố mẹ, hai bên gia đình sẽ làm lễ ăn hỏi, chọn ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới.

Độc đáo đám cưới của người Pa Cô

Theo bà Hồ Hương ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), lễ cưới truyền thống của người Pa Cô gồm hai bước, đó là Pôôc đooq (đám cưới tại nhà trai) và Pa liah, a leq kâr mai (đám cưới nhà gái). 

Khác với lễ đón dâu của người Kinh, đối với người Pa Cô, gia đình nhà gái sẽ tự dẫn cô dâu tới nhà trai để làm lễ. Trong ngày cưới, sáng sớm trước khi đưa con gái về nhà chồng, chủ nhà gái làm nghi lễ xuất gia và báo cho tổ tiên biết là cháu gái đã đi lấy chồng, mong tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. 
Mẹ chồng chờ sẵn tại cổng nhà để đón con dâu, đồng thời cởi luôn tấm zèng từ cô dâu và đeo cho cô chuỗi cườm để đón nhận con dâu hiền. Khi nhà gái sang, nhà trai tiến hành làm lễ nhận thông gia (Pâr xool), từ nay hai bên gia đình trở thành thông gia, giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn và lễ vật đại diện mà nhà gái mang theo cũng được trao luôn cho nhà trai trong nghi lễ này.

Cỗ đã được bày ra, hai bên gia đình ăn uống vui vẻ chúc tụng đối đáp nhau bằng những câu hát. Sau khi bên thông gia thưởng thức bữa tiệc, nhà trai thực hiện nghi lễ quan trọng nhất trong ngày cưới đó là nghi lễ Pâr choo, Târ leh (lễ tiễn khách và trao lễ vật, của hồi môn). 
Trong đó, trao lễ vật cho bố mẹ cô dâu để tạ ơn công sinh thành, dưỡng dục cô con gái lớn khôn, ngoan hiền; Trao cho anh chị cả của cô dâu để cảm ơn đã quan tâm chăm sóc, thăm nom, dạy bảo em gái thường xuyên những khi đau ốm hay khỏe mạnh; Trao cho chủ họ để tạ ơn đã lo lắng, đỡ đần cả vật chất lẫn tinh thần cho nhà thông gia trong việc cưới hỏi.

Lễ cưới tại nhà trai kết thúc, nhà gái định thời gian để tổ chức lễ cưới thứ hai tại nhà gái. Thường là khoảng một tuần sau khi tổ chức đám cưới ở nhà trai sẽ tiến hành đám cưới ở nhà gái. Mọi nghi lễ ở nhà gái cũng được tiến hành tương tự như ở nhà trai, chỉ khác trong lễ cưới này, người đi vào đầu tiên phải là cô dâu. Trước khi ra về, mẹ đẻ của cô dâu sẽ trao lại cho mẹ chồng một số lễ vật làm của hồi môn cho con gái.

Trải qua thời gian, lễ cưới truyền thống của người Pa Cô ngày nay tuy có thay đổi cho phù hợp với xã hội nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống độc đáo trong phong tục, tập quán của mình.