Doanh nghiệp xoay xở trước áp lực tỷ giá tăng cao

Sau khi giữ ổn định trong bảy tháng năm 2023, tỷ giá trong nước bật tăng trở lại kể từ đầu tháng 8/2023. Giá bán USD tại một số ngân hàng thương mại đã vượt 24.000 đồng/USD; tỷ giá cũng đã tăng 1,62% so với đầu năm. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân đóng gói, hoàn thiện sản phẩm trên dây chuyền sản xuất của Công ty Bibica.
Công nhân đóng gói, hoàn thiện sản phẩm trên dây chuyền sản xuất của Công ty Bibica.

Thiếu đơn hàng, thị trường xuất khẩu chưa hồi phục, giờ đây các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh càng thêm lo lắng khi tỷ giá đồng USD tăng cao. Tỷ giá tăng kéo theo hàng loạt hệ lụy như chi phí vận chuyển, container hàng nhập khẩu bị đội thêm chi phí; giá nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng…

Điều này khiến giá sản xuất tăng, lợi nhuận và sức cạnh tranh của hàng hóa giảm. Tổng Giám đốc Công ty Hải sản Hoàng Gia Trần Văn Trường (Quận 1) cho biết: Mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu hải sản từ gần 10 nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Australia… với nhiều chủng loại từ tôm, cua, cá, ốc…

Các hợp đồng nhập khẩu chủ yếu được thanh toán bằng đồng USD. Tỷ giá thay đổi đã tác động ngay đến kết quả kinh doanh của công ty. Dẫu vậy, công ty không dám điều chỉnh tăng giá bán hàng hóa vì sức mua tương đối thấp và phải gồng gánh phần chi phí tăng thêm.

“Chúng tôi không thể tăng giá bán trong bối cảnh hiện nay vì sợ người dùng cắt giảm chi tiêu, nếu họ không chấp nhận được mức giá mới. Vì thế, chúng tôi vẫn đang “gồng mình” cho khoản chênh lệch tỷ giá kể trên”, ông Trường chia sẻ. Để tiếp tục trụ lại kinh doanh và chờ tỷ giá giảm, lãnh đạo doanh nghiệp này phải cơ cấu lại nhân sự, tính toán chi phí để có khấu hao thấp nhất. Đồng thời, Hải sản Hoàng Gia còn đàm phán với một số khách hàng chuyển qua thanh toán bằng đồng đô-la Australia; tuy nhiên không phải đối tác ngoại nào cũng đồng ý.

Theo các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tăng tỷ giá tác động mạnh đến các doanh nghiệp có hoạt động thanh toán bằng đồng USD, cụ thể cứ một triệu USD nhập khẩu hàng hóa trước đây chỉ trả khoảng 23 tỷ đồng, thì nay tăng lên hơn 24 tỷ đồng. Doanh nghiệp có quy mô nhập khẩu càng lớn thì phần chênh lệch tỷ giá càng cao.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất bột quốc tế (Intermix) Huỳnh Phương Trinh, phần lớn nguyên liệu để sản xuất bột các loại của công ty là nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan, Nhật Bản và châu Âu. Tuy nhiên, khi thanh toán đơn hàng cũng phải chuyển qua đồng USD.

Tỷ giá tăng đã làm tổng chi phí tăng thêm khoảng 0,5% nhưng cũng nằm trong khoảng dự trù trượt giá cho nên doanh nghiệp vẫn trong ngưỡng chịu được. Trước bối cảnh sức mua chưa phục hồi, bà Trinh cho biết, không thể điều chỉnh giá bán theo đà tăng của USD.

“Điều may mắn là Intermix đã chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất đến hết năm nay nên chúng tôi cố gắng giữ giá bán cho các khách hàng là nhà sản xuất đến cuối năm”, bà Trinh nói và cho biết thêm: Đang có nhiều chương trình khuyến mãi như mua 1 tặng 1, mua 10 thùng tặng 1 thùng để kích cầu thị trường…

Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Nguyễn Chánh Phương nhìn nhận, tỷ giá tăng đồng nghĩa với giá nhập gỗ nguyên liệu tăng theo, kéo giá xuất khẩu gỗ cũng đi lên. Nhưng thời điểm này, đầu ra (xuất khẩu) còn hạn chế nên doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng nhiều. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu lại phấn khởi vì tỷ giá tăng, đồng nghĩa với việc các mặt hàng bán ra nước ngoài được giá.

Giám đốc Công ty gốm sứ Minh Hà Nguyễn Thị Minh Trang (huyện Hóc Môn) cho biết: Doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu, do đó, việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ có lợi. “Chúng tôi bán sản phẩm ra thị trường Mỹ và các nước châu Âu để thu về đồng USD, trong khi chi phí sản xuất trong nước được thanh toán bằng tiền Việt.

Mặt khác, với đặc thù của ngành xuất khẩu, công ty ký hợp đồng mua bán sản phẩm với đối tác trước đó nhiều tháng, vì vậy, việc tăng tỷ giá sẽ càng có lợi khi chúng tôi ký được các hợp đồng xuất khẩu mới”, bà Trang đánh giá từ thực tiễn. Dẫu vậy, bà Trang cũng cho rằng, nếu tỷ giá tăng kéo dài, doanh nghiệp xuất khẩu không được hưởng lợi bởi nhiều nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao.

Nhận định về tỷ giá trong thời gian tới, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Việc tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong khoảng gần một tháng trở lại đây không phải nhất thời mà đang tạo ra một xu hướng tăng. Tuy nhiên, xu hướng này có kéo dài hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhu cầu về nhập khẩu tăng cũng khiến nhu cầu về đồng USD tăng.

Tỷ giá có thể được cân bằng lại trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng dự trữ ngoại hối để bán ra, làm giảm áp lực tỷ giá thị trường hối đoái. Trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, giá trị đồng USD sẽ tiếp tục tăng. Giữa tháng 8/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm nay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8. “Chỉ khi lãi suất giảm, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá ổn định thì doanh nghiệp mới giảm bớt khó khăn”, ông Hiếu nhận định.

Tại hội nghị về tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải giữ ổn định tỷ giá, bảo đảm niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.