Tăng trưởng trong dịch bệnh
Với ngành gỗ, theo thông lệ, từ tháng 9 hằng năm trở đi, các doanh nghiệp đã bước vào mùa sản xuất cao điểm bởi ở các thị trường lớn của Việt Nam là Mỹ, châu Âu thường đặt hàng tăng cao trong mùa Noel và Tết Dương lịch. Do đó, ngay khi được sản xuất trở lại vào đầu tháng 10/2021, hầu như tất cả các doanh nghiệp gỗ đều gấp rút huy động công nhân và tăng công suất tối đa kịp tiến độ giao hàng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết: “Hiện trong số hơn 600 hội viên của Hawa tại TP Hồ Chí Minh, đã có gần 80% bắt đầu tái sản xuất để kịp tiến độ giao hàng cho khách hàng trong thời gian tới. Như đã biết, đây là mùa cao điểm xuất khẩu của ngành gỗ, do đó chúng tôi kỳ vọng 3 tháng cuối năm 2021 này, kim ngạch xuất khẩu sẽ quay trở lại như trước khi làn sóng dịch Covid-19 diễn ra”.
Trong gần 2 năm xuất hiện dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam đã khiến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ chịu ảnh hưởng không nhỏ cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Bình Dương và TP Hồ Chí Minh vốn được coi là “công trường” của ngành gỗ và dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong ngành gỗ ở địa phương này. Tuy nhiên, điểm đáng mừng là sau 3 tháng gặp rất nhiều khó khăn (tháng 6 đến tháng 8), đến nay, ngành gỗ đã lấy lại mức tăng trưởng khá cao và đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 9 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất siêu của ngành này trong 9 tháng năm 2021 đạt gần 9,7 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc…
Điểm đáng mừng khác của hoạt động xuất khẩu gỗ là vào đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận với bà Katherine Tai, Trưởng Đại diện Cơ quan thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Thỏa thuận này là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong đàm phán với Hoa Kỳ để khép lại vụ Điều tra theo Mục 301 của Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.
Việc ký thỏa thuận này thể hiện tinh thần thiện chí và hợp tác của hai bên, là cơ sở để Hoa Kỳ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này, góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, thỏa thuận thể hiện cam kết của Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.
Việc ký thỏa thuận sẽ thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất của ngành gỗ. Với việc kiểm soát nguồn gốc gỗ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, song đây cũng là giải pháp để hướng tới ngành sản xuất gỗ hợp pháp và bền vững.
Thời gian qua, Hoa Kỳ đã giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam. Ngay trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức 6,4 tỷ USD, tăng trưởng 58,8% so với cùng kỳ 2020.
Tìm cơ hội ở dịp mua sắm cuối năm
Bàn về tiềm năng của mặt hàng đồ gỗ Việt Nam tại Hoa Kỳ thời gian tới, bà Mary Tarnoka, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) chia sẻ, có tới 60% các nhà sản xuất đồ gỗ, nội thất theo hợp đồng tại Việt Nam là đối tác của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, quý 4 là thời điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp khai thác thị trường Hoa Kỳ vì nhu cầu mua sắm nội thất cho dịp lễ Giáng sinh rất lớn. Đáng chú ý, các doanh nghiệp, nhà mua hàng Hoa Kỳ vẫn đánh giá cao, tin tưởng vào khả năng khôi phục của ngành gỗ Việt Nam. Nhu cầu của Hoa Kỳ đối với sản phẩm gỗ và nội thất Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong hai năm tới.
Hay với thị trường EU, kinh tế toàn khối EU đang có xu hướng tích cực trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đang mở cửa trở lại, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh và quỹ kích thích chung của EU được khởi động để hỗ trợ chính sách tiền tệ nới lỏng. Thị trường xây dựng hoạt động mạnh cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ tại EU tăng mạnh trong thời gian tới.
Đáng chú ý, xu hướng phát triển nhanh chóng trong phương thức bán hàng trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, dễ dàng tương tác với người tiêu dùng EU, nắm bắt thị hiếu và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Lợi thế từ thuế quan để nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo Hiệp định EVFTA, từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí; tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU trong thời gian tới.
Hiện nay, với độ phủ vaccine ngày càng rộng, rất nhiều thị trường tăng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng cho dịp lễ tết cuối năm, trong đó có đồ gỗ. Dù đã từng bước phục hồi trở lại, song dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên trong định hướng sắp tới, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương để vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong mỏi được Chính phủ và bộ, ngành địa phương hỗ trợ thêm tiêm vaccine cho công nhân, đồng thời ổn định chính sách vĩ mô để tạo môi trường đầu tư ổn định.