Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người cao tuổi phòng chống thông tin xấu độc

NDO - Ngày 29/8, tại Hà Nội, Cổng thông tin Thánh Gióng (Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) tổ chức chương trình tập huấn "Thanh niên hỗ trợ người cao tuổi phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng".
0:00 / 0:00
0:00
Người cao tuổi hào hứng tham gia chương trình tập huấn.
Người cao tuổi hào hứng tham gia chương trình tập huấn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 6/2023, số lượng người dùng internet tại Việt Nam chiếm khoảng 78,59% dân số cả nước, mỗi người trong số này dành trung bình 7 tiếng mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến internet.

Đáng chú ý, người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên) chiếm gần 20% tổng dân số sử dụng internet. Đây là đối tượng chính của các cuộc tấn công mạng bởi thường dễ tin, dễ trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo. Mặc dù vậy, vẫn chưa có bất cứ chương trình chính thức về "kiến thức số" hay "an toàn trực tuyến" dành riêng cho người cao tuổi tại Việt Nam.

Từ thực trạng trên, chương trình tập huấn "Thanh niên hỗ trợ người cao tuổi phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng" đã sử dụng "Cẩm nang An toàn trực tuyến" do Google phối hợp Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng Việt Nam biên soạn để tiếp cận học viên.

Tại chương trình, 2 tổ chức trên đã thí điểm đào tạo đoàn viên, thanh niên cách sử dụng các công cụ và kỹ năng bảo đảm an toàn trực tuyến từ chia sẻ của các chuyên gia của Google. Từ đó, thanh niên sẽ tiếp tục hướng dẫn người cao tuổi sử dụng mạng Internet an toàn hơn, thu hẹp khoảng cách thế hệ và giúp tạo nên môi trường Internet an toàn, lành mạnh và bổ ích.

Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người cao tuổi phòng chống thông tin xấu độc ảnh 2

Chuyên gia hướng dẫn các học viên cao tuổi kỹ năng tham gia môi trường mạng an toàn.

Đại diện Ban tổ chức chương trình, đồng chí Nguyễn Xuân Hiếu, Phó Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn cho biết: chương trình là hoạt động cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, cơ hội để đoàn viên, thanh niên, hội viên trau dồi kiến thức, có cái nhìn tổng quát, phương pháp tiếp cận thông tin và sử dụng mạng xã hội hiệu quả, nhận biết thông tin sai sự thật, để từ đó tích cực phê phán, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên môi trường mạng xã hội…

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) cho rằng, tổ chức Đoàn các cấp cần đa dạng hóa hình thức và phương pháp đấu tranh theo hướng thiết lập và sử dụng các website, blog, diễn đàn, đăng tải bài viết sâu sắc về lý luận-thực tiễn; chủ động cung cấp thông tin, phối hợp các cơ quan báo chí để xây dựng các bài viết liên quan.