Tiêu điểm

Đoàn kết và sẻ chia

Nếu như năm 2015, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người sinh sống, học tập, làm việc tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến năm 2022, con số này là hơn 5,3 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có tới 4,3 triệu người định cư lâu dài, và 600.000 chuyên gia trí thức, chiếm tỷ lệ hơn 11,3%.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Nguyễn Thúy Hà, Trưởng Ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Singapore trao 51 suất quà cho các hộ bị ảnh hưởng do lũ tại xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Hoàng Hướng
Bà Nguyễn Thúy Hà, Trưởng Ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Singapore trao 51 suất quà cho các hộ bị ảnh hưởng do lũ tại xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Hoàng Hướng

Nguồn lực quan trọng

Ở trong nước, hiện có khoảng 60% số tỉnh, thành phố thành lập các hội thân nhân, hội Việt kiều, giúp cho bà con kiều bào khi trở về quê hương, Tổ quốc được tạo điều kiện thuận lợi và sự đón tiếp chu đáo, ân tình. Vai trò, vị thế và uy tín của kiều bào ngày càng được nâng cao. Dù sinh sống xa Tổ quốc nhưng tấm lòng của đông đảo kiều bào vẫn đau đáu hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt tại nhiều quốc gia khiến không ít người lâm vào tình cảnh khó khăn, trong đó có cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, dù ở bất cứ đâu, người Việt Nam cũng có những việc làm ý nghĩa để chia sẻ những khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Chính nhờ nỗ lực kết nối toàn cầu, Quỹ Vaccine phòng Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người Việt ở nước ngoài với số tiền lên đến hơn 80 tỷ đồng. Sự vào cuộc tích cực của kiều bào còn giúp mở ra những cơ hội tốt để kết nối bổ sung kịp thời thiết bị, vật tư y tế và các nguồn vaccine cho đất nước. Bên cạnh đó, kiều bào ta còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo như: giúp đỡ đồng bào bị bão lụt; quyên góp tiền, hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng ủng hộ Trường Sa và Quỹ vì biển, đảo Việt Nam… Tính riêng trong năm 2021, lượng kiều hối của Việt Nam đạt gần 14 tỷ USD, tiếp tục đưa nước ta đứng vào danh sách những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Những yêu cầu đặt ra

Đất nước bước vào đổi mới, công cuộc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển quan hệ hợp tác với các quốc gia ngày càng lớn mạnh, số lượng người Việt Nam đi làm ăn, sinh sống ở nước ngoài cũng đông đảo hơn và có những đóng góp quan trọng cho đất nước. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được xác định là một trụ cột trong công tác đối ngoại của đất nước ta.

Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài" khẳng định: "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam". Nghị quyết đã được cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài vui mừng đón nhận. Thực tế, nhiều người Việt ra đi với những hoàn cảnh, tâm tư khác nhau, việc kết nối lại với đất nước không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng. Nay đã có chính sách khơi thông, mở lối, con đường trở về Tổ quốc đã được mở rộng cánh cửa.

Để tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn Nghị quyết 36, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW "Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới", trong đó xác định kiều bào là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, từ đó đặt ra yêu cầu đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, nhằm phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước.

Những chủ trương, đường lối đúng đắn, nhất quán của Đảng trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, cùng với nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và thực hiện đạt kết quả tốt như: chính sách về bảo hộ công dân; cải tiến công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; huy động nguồn lực của kiều bào, trong đó nguồn lực của kiều bào trẻ được đặc biệt chú trọng; việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài được đẩy mạnh…

Tuy nhiên, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần có những điều chỉnh phù hợp để phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng kiều bào đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt các yêu cầu này, cần chú trọng xây dựng các biện pháp đồng bộ, củng cố, hỗ trợ các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai các biện pháp tổng thể hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn, có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ chính sách liên quan người Việt Nam ở nước ngoài; đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Điều quan trọng hơn cả, đó là nhận thức của các cấp, ngành và cả cộng đồng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, sự phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành cần thông suốt, đồng bộ. Đây chính là những việc làm cần thiết giúp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.