Đinh Phương-“Người kể chuyện nắng” giành Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I

NDO -

Tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang” của nhà văn Đinh Phương vừa được vinh danh trong Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Chân dung nhà văn Đinh Phương.
Chân dung nhà văn Đinh Phương.

Ngay từ khi mới xuất hiện cuốn sách đã nhận được những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và độc giả. Lấy cảm hứng từ các sự kiện lịch sử, tác giả đã xây dựng một “lịch sử ký ức” của riêng mình, độc đáo và đặc sắc. Sau đây là chia sẻ của nhà văn Đinh Phương về cuốn sách này.

Kể câu chuyện của riêng mình

- Phóng viên: Có thể nói “Nắng Thổ Tang” là cuốn sách “nặng cân” nhất của bạn cho đến thời điểm này, không chỉ ở nội dung được hàm chứa, mà còn ở những vấn đề cuốn sách đặt ra, thế giới nhân vật được xây dựng và các thủ pháp nghệ thuật được huy động. Hành trình sáng tạo “Nắng Thổ Tang” đã diễn ra như thế nào vậy?

Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam là một trong những giải thưởng văn học được trông đợi nhất trong năm qua. Vì đây là lần đầu tiên Hội nhà văn chính thức có một giải thưởng tôn vinh các tác giả trẻ từ 35 tuổi trở xuống. Ngày 5/1/2022, giải thưởng đã được công bố. 5 tác giả với 5 tác phẩm đã được vinh danh. 

- Nhà văn Đinh Phương:  Với tôi, hành trình sáng tạo “Nắng Thổ Tang” bắt đầu từ các truyện ngắn về mốc 1930 của Việt Nam Quốc dân Đảng và cuộc di dân năm 1954. Tôi nghĩ, mình không thể hình dung về các mảng lớn của lịch sử nếu không đi từ các mẩu nhỏ. Truyện ngắn chính là các mẩu nhỏ, bởi vậy tôi đã viết : Đợi đến lượt, Về phía cuối dòng, Hoa trải trắng sông… và phần nào của tiểu thuyết Nhụy khúc của tôi đều nằm trong các mẩu nhỏ này. Mỗi truyện đều có một vài nhân vật, đôi ba tình huống, khung cảnh của lịch sử. Song song với việc viết truyện ngắn, cố gắng tái hiện cái mình thấy trong tưởng tượng một cách thật nhất thì tôi đọc tài liệu để xây lên khung chung rộng rãi hơn. Rồi khi đã cảm thấy nhàm, phần nào chán các mẩu nhỏ, tôi nghĩ sao mình không làm cái gì đấy lơn lớn nhỉ, và tôi bắt tay vào viết tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang”.

- Phóng viên: Bắt đầu một cách ấn tượng với cái chết của các chí sĩ Yên Bái, trong suốt nội dung cuốn sách, có thể thấy lịch sử trải dài từ năm 1930 đến 1954 chính là cảm hứng để cuốn sách hình thành và phát triển, tuy nhiên tác giả lại khước từ gắn cho nó cái mác “tiểu thuyết lịch sử”. Bạn có thể chia sẻ về điều này?

- Nhà văn Đinh Phương:  Tôi không gán cho cuốn tiểu thuyết của mình mác “tiểu thuyết lịch sử” vì lịch sử trong cuốn sách của tôi chỉ là cái cớ. Tôi mượn lịch sử, một vài nhân vật và sự kiện có thật để kể câu chuyện riêng của chính mình. Tôi sợ nệ sử, kể cái ai cũng biết, cũng viết-vì như thế sẽ phải nhìn chung quanh xem mọi người đã viết về sự kiện đó thế nào, mình viết chưa chắc đã đạt được cái mình muốn khi phải chịu quá nhiều quy chiếu. Và quan trọng nhất tính tôi nhanh chán, sợ viết theo một đường mòn có sẵn lại chán rồi bỏ dở. Khi viết (như chơi trò chơi vậy), nếu chán thì khó đi được trọn vẹn từ đầu đến cuối.

- Phóng viên: Khi viết về đề tài lịch sử, hoặc nội dung đề cập đến vấn đề lịch sử người viết thường dễ rơi vào xu hướng diễn giải lịch sử, phân tích, tái hiện nó. Nhưng bạn đã chọn một cách xử lý khác, táo bạo hơn nhưng cũng mạo hiểm hơn. Lịch sử là cái cớ tuyệt vời cho công việc sáng tạo. Tôi rất muốn bạn lý giải việc lựa chọn này của mình?

- Nhà văn Đinh Phương: Thực ra, như đã chia sẻ ở trên, lịch sử chỉ là cái cớ, một cái cớ tuyệt vời để mắc cảm xúc lên. Nếu tôi diễn giải, phân tích, tái hiện thì đó là một lịch sử chính thống với ngày tháng năm, địa điểm, nhân vật A nhân vật B hành động thế nào, bị bắt, xét xử ra sao-rất cụ thể rõ ràng. Mà tôi không muốn điều này chút nào, tôi muốn tạo ra lịch sử của mình, nhân vật của mình, một thứ lịch sử ký ức của những người tham dự vào nhưng vô danh (hoặc chỉ được nhắc đến vỏn vẹn cái tên trong sự kiện chính-mà họ là nhân vật phụ). Họ cũng có câu chuyện, thân phận của họ chứ. Họ cũng suy nghĩ, đắn đo, dằn vặt chứ. Tôi muốn kể (sống) cùng họ, điều mà lịch sử chính thống không có được.

Cần khác với chính mình trước đó

Đinh Phương-“người kể chuyện nắng” giành Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I -0
Bìa sách Nắng Thổ Tang

- Phóng viên: Thế giới nhân vật trong “Nắng Thổ Tang” là một sự phức hợp, đa tuyến, tuồng như lỏng lẻo nhưng theo hết mạch truyện thì thấy sự hiện diện của họ đều có lý do và gắn kết chặt chẽ. Chọn cách viết “đi trên dây” này, người viết nếu không chắc tay các nhân vật sẽ trở nên rời rạc, minh họa hời hợt cho tham vọng của mình. Nhưng bạn đã vượt qua được thách thức này một cách ngoạn mục. Bạn có thể chia sẻ về việc xây dựng thế giới nhân vật trong cuốn sách?

- Nhà văn Đinh Phương: Trong cuốn sách này các nhân vật của tôi tự “gọi” nhau ra. Ban đầu là Thị Nhu, Thị Uyển, ngựa trắng, người em trai, rồi đến nhân vật tôi, vợ tôi, người cô, bà mẹ, linh mục giả, người xà ích, người tuần đường… và cả nắng nữa chứ. Tôi tạo cho họ một hiện tại, một quá khứ, rồi đan tất cả lại với nhau. May mắn là khi sách ra, vài độc giả ban đầu bảo chúng chấp nhận được.

- Phóng viên: Nhân vật nào khiến bạn phải lao tâm khổ tứ nhất? Nhiều độc giả thắc mắc liệu đó có phải là Long “xách tai”, một nhân vật gai góc trong cuốn sách này?

- Nhà văn Đinh Phương:  Nhân vật khiến tôi mệt mỏi nhất là “nắng”. Nó phải xuất hiện liên tục, tùy cảm xúc của nhân vật, hoàn cảnh xảy ra các sự việc, hành động. Cũng như ở Nhụy khúc, nhân vật khiến tôi mệt mỏi nhất là mưa. Nắng ở đây là sợi dây liên kết (cũng như ngựa trắng) các sự kiện, ám ảnh, ảo tượng lại với nhau. Mà nắng ở mỗi người, mỗi nơi mỗi khác.

- Phóng viên: Tên tác phẩm cũng là điều khiến cho nhiều độc giả tò mò. Nó dường như khiến người lần đầu bắt gặp nghĩ rằng đây là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn thay vì những nội dung dữ dội và khốc liệt như tác giả đã viết trong đó. Vậy vì sao lại là “Nắng Thổ Tang”?

- Nhà văn Đinh Phương: Thổ Tang là quê của lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng-Nguyễn Thái Học. Người ta biết đến Yên Bái, nơi ông cùng mười hai đồng chí của mình lên máy chém chứ ít ai nghĩ đến nơi ông sinh ra. Đây cũng là nơi Cô Giang, vị hôn thê của ông sau khi chứng kiến việc chết chém của ông tìm về tự tử. Thổ Tang chính là nơi bắt đầu và cũng là nơi kết thúc của mọi sự.

- Phóng viên: “Nắng Thổ Tang” thực sự là cuốn tiểu thuyết thử thách đối với người đọc và cả người viết. Xin hỏi thật, trong quá trình thực hiện cuốn sách, có lúc nào bạn nghĩ đến việc dừng lại hoặc chọn một hướng đi khác nhẹ nhàng hơn?

Nhà văn Đinh Phương tên thật là Nguyễn Trọng Hưng, sinh năm 1989 tại Quảng Ninh. Giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013-2014 với chùm truyện ngắn về đề tài lịch sử. Các tác phẩm đã in: tập truyện ngắn “Những đứa con của Chúa Trời” (2014); tập truyện ngắn Đợi đến lượt  (2016); tiểu thuyết “Nhụy khúc” (2016).

- Nhà văn Đinh Phương: Trong lúc viết và sửa cuốn sách tôi chưa từng nghĩ đến việc dừng lại, vì mình vẫn còn hứng thú với nó, sống trong nó. Nó giúp tôi thoát được hiện tại trong một số ngày. Nhập vai vào một số người, với tính cách, hoàn cảnh sống khác mình. Còn hướng đi thì đây là hướng đi nhẹ nhàng nhất, vì phân chia các mốc thời gian hiện tại-quá khứ. Hướng đi ban đầu của Nắng Thổ Tang rối rắm, mù mịt hơn nhiều. Đẩy thẳng người đọc vào ngồn ngộn chữ rất khó thoát ra và chắc chắn nhanh chán. Tôi đã cắt bớt, viết thêm, sửa chữa khá nhiều và cả thay đổi cấu trúc vài lần mới ra được văn bản in sau này.

- Phóng viên:  Xét cho cùng, mỗi người viết khi bắt đầu một tác phẩm mới cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận sự thử thách. Nhưng thử thách lần này với “Nắng Thổ Tang” có gì khác với những thử thách trước đó mà bạn đã vượt qua?

- Nhà văn Đinh Phương: Thử thách này tốn thời gian hơn so với các thử thách của tôi trước đây. Nhưng nó cũng cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm về việc viết. Rằng chẳng có gì dễ dàng cả, mình phải bắt tay vào làm, từng tí một, đừng nghĩ đến hoàn thành, lúc nào xong, mà phải nghĩ mình làm nó thế nào để khác đi, và khác với chính mình trước đã. 

- Phóng viên: Điều bạn nghĩ đến nhiều nhất sau khi bạn khép lại cuốn sách này?

- Nhà văn Đinh Phương: Mình đã xong một việc, bắt đầu vào “nhặt nhạnh” rồi viết tiếp thôi…

Kết quả Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam lần I

Văn xuôi: Nắng thổ tang-tiểu thuyết của Đinh Phương.

Thơ: Yao-tập thơ của Lý Hữu Lương; Con Người-tập thơ của Phương Đặng.

Lý luận phê bình: Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật của Vũ Thị Trang.

Dịch: Truyện Kiều (The Tale of Kiều) thơ của Nguyễn Du-dịch giả Nguyễn Bình dịch sang tiếng Anh.

Giải thưởng Tác giả trẻ được sự đồng hành tài trợ của tập đoàn Thaco.

Mỗi giải thưởng có trị giá 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng).