Triển khai theo quy định của Luật Kiến trúc, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Ðịnh hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1246/QÐ-TTg ngày 19/7/2021. Theo đó, định hướng kiến trúc Việt Nam đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là hoàn thành việc xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc tại đô thị và nông thôn. Ðây là công cụ hữu hiệu, bảo đảm chất lượng kiến trúc tại Việt Nam.
Chưa phản ánh được bản sắc riêng
Luật Kiến trúc quy định kiến trúc là nghệ thuật và khoa học, kỹ thuật về tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững, đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội. Ðối với đô thị, nông thôn và các điểm tập trung đông dân cư, kiến trúc phản ánh trình độ phát triển của đời sống xã hội về kinh tế, xã hội, đồng thời thể hiện đặc trưng văn hóa của từng vùng, miền. Với phạm vi không gian nước ta được trải dài từ bắc xuống nam khoảng 2.000km, phong cách kiến trúc truyền thống của Việt Nam thể hiện rõ bản sắc đối với từng khu vực trên cơ sở các đặc trưng về khí hậu, văn hóa và tập quán. Ðiều này được thể hiện rất rõ thông qua hình thái tổ chức không gian, kiến trúc các công trình nhà ở, các công trình phục vụ cộng đồng dân cư. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tác động đến diện mạo kiến trúc một cách mạnh mẽ qua nhu cầu, cách thức sử dụng công trình, nhận thức về thẩm mỹ trong quá trình thiết kế và hình thành các công trình xây dựng...
Bên cạnh những mặt tích cực, kiến trúc tại đô thị và nông thôn hiện nay cũng còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Trong đó, là sự đơn điệu, kém khác biệt giữa phong cách, hình thức kiến trúc nhà ở giữa các vùng, miền trên cả nước. Có hiện tượng trùng lặp về hình thức kiến trúc nhà riêng lẻ, nhà ở chung cư tại các khu đô thị, khu ở miền đồng bằng, miền núi và ven biển. Thiếu tính trật tự, đa dạng, không thống nhất và chưa phản ánh được bản sắc riêng; quy mô các công trình không tương xứng, đồng bộ với khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là khả năng về kết nối, liên hệ giao thông trong đô thị. Kiến trúc tại các khu phố hiện hữu trong đô thị có hiện tượng chắp vá, lai tạp, lấn chiếm không gian chung và không hình thành các điểm nhấn đô thị. Không gian vỉa hè tuyến phố được coi là diện mạo đô thị được quản lý khá lỏng lẻo, bị lấn chiếm không gian đi bộ; việc quảng cáo với kích cỡ, mầu sắc không theo quy định phù hợp trong đô thị đã phá vỡ hình thức, bố cục kiến trúc công trình, tuyến phố. Các hệ thống kiến trúc trang trí đô thị, tượng đài và quảng trường, vườn hoa không đồng bộ với cấp độ đô thị. Chưa có sự quan tâm đầy đủ trong xây dựng hệ thống công trình nghệ thuật công cộng - tiểu cảnh đô thị dành cho cộng đồng, nhân dân tạo vẻ đẹp thu hút du lịch như tại đô thị các nước quốc tế.
Tại khu vực nông thôn, kiến trúc nhà ở có xu hướng tương tự đô thị; kiến trúc các công trình công cộng chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn và phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế nông-lâm-ngư nghiệp, chăn nuôi, phát triển du lịch, văn hóa. Còn tại các khu chức năng (khu công nghiệp, khu kinh tế...), kiến trúc chưa được quan tâm thỏa đáng, chủ yếu việc xây dựng tập trung vào mục tiêu đáp ứng yêu cầu công năng sử dụng, chưa đóng góp trong tổng thể chung của không gian kiến trúc, cảnh quan.
Nâng cao tầm quan trọng của kiến trúc trong quá trình phát triển
Thực tế triển khai xây dựng thời gian qua cho thấy, nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị chưa phát huy tác dụng do thiếu tính thực tiễn; chưa xây dựng được hình thái, phong cách kiến trúc tiêu biểu cho từng vùng, miền. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch còn chưa bảo đảm chất lượng và hiện tượng xây dựng công trình, nhất là công trình cao tầng không tuân thủ giấy phép xây dựng, dẫn đến phá vỡ cấu trúc và không gian kiến trúc cảnh quan chung của đô thị. Công tác quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị, các di sản đô thị chưa chặt chẽ, thiếu công cụ và chưa có kết quả cụ thể. Ðối với các nghiên cứu hệ thống kiến trúc nhà nông thôn nhằm vào mục tiêu phù hợp khí hậu miền núi, ven biển chưa có hiệu quả rõ nét, mới chỉ dừng ở thiết kế mẫu, chưa đi vào xây dựng áp dụng đại trà. Bên cạnh đó, việc bảo tồn, tôn tạo các di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên tại khu vực nông thôn trong thời gian qua tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa được tiến hành thường xuyên và thiếu hệ thống, đôi khi do quá chú trọng phát triển kinh tế nên nhiều di sản kiến trúc gắn với lịch sử và cảnh quan đã bị xâm phạm, hoặc cải tạo kiến trúc sai gốc, làm mai một các giá trị văn hóa và lịch sử vốn có của các công trình theo thời gian. Ðồng thời, vùng nông thôn dễ bị tác động bởi kiến trúc tôn giáo và ảnh hưởng xu thế kiến trúc du nhập.
Ðể từng bước khắc phục và giải quyết các bất cập về kiến trúc, các bên liên quan cần tập trung đổi mới công tác truyền thông, giáo dục phổ cập thẩm mỹ kiến trúc nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa thực tiễn, tầm quan trọng của kiến trúc với mục tiêu phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Nâng cao năng lực của tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc cả trong lĩnh vực quản lý và tư vấn thiết kế nhằm hoàn thiện chất lượng các đồ án quy hoạch và thiết kế kiến trúc; xây dựng đầy đủ, đồng bộ cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trong cả nước.
Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Kiến trúc; đề xuất hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp, thống nhất với Luật Kiến trúc. Các cấp, các cơ quan tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành pháp luật về kiến trúc, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện Ðịnh hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; tăng cường, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiến trúc ■