Ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp phát hiện, xử lý các cán bộ, đảng viên mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc không hợp lệ. Ðây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người không học, không thi nhưng vẫn muốn có văn bằng, chứng chỉ đào tạo. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền sớm đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực.

Công an Thừa Thiên Huế thu giữ tang vật của đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. (Ảnh MẠNH HÙNG)
Công an Thừa Thiên Huế thu giữ tang vật của đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. (Ảnh MẠNH HÙNG)

Vừa qua, Công an tỉnh Ðắk Lắk đã rà soát, phát hiện 20 cán bộ, giáo viên tại huyện Cư Kuin sử dụng các bằng tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học không hợp lệ. Sau khi bị công an phát hiện, các cán bộ, giáo viên này đều thừa nhận đã mua văn bằng THPT giả rồi nộp vào để theo học các trường cao đẳng, đại học. Sau đó, những cán bộ này nộp hồ sơ để xin việc làm, với mong muốn có một công việc ổn định. Trước đó, Ðại tá Thái Ðình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu đã bị tước quân tịch do sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp lệ. Gần đây nhất là Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai Ðàm Quang Vinh cũng bị buộc thôi việc và khai trừ khỏi Ðảng theo quy định do sử dụng bằng cấp không hợp lệ.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân của tình trạng nêu trên xuất phát từ chính nhu cầu của người dân về việc hợp thức hóa các thủ tục giấy tờ cũng như văn bằng, chứng chỉ đang thiếu hoặc chưa có khi đi xin việc hoặc chuẩn bị làm hồ sơ bổ nhiệm cán bộ. Một số người đã tìm đến các cơ sở chuyên làm các loại giấy tờ giả để mua về sử dụng. Với công nghệ in, làm giả giấy tờ ngày càng cao như hiện nay thì việc phát hiện và chứng minh những giấy tờ đó là giả rất khó khăn. Thậm chí, để qua mặt các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng còn dùng cả phôi bằng thật để làm giả các loại giấy tờ khi khách hàng yêu cầu... Chỉ cần gõ từ khóa "nhận làm giấy tờ giả" trên công cụ tìm kiếm Google là sẽ thấy hàng loạt kết quả như: "Làm giấy tờ giả chỉ vài giây - nhận kết quả tức thì", "Giao tận tay, nhận trực tiếp - Không cọc, đưa hàng đưa tiền"... Ðể tạo lòng tin với khách hàng, các đối tượng ngang nhiên quảng cáo ngoài việc làm giả các văn bằng, chứng chỉ còn có thể làm giả cả giấy khám sức khỏe, đăng ký kết hôn... Hầu hết mọi công đoạn, từ chế tạo phôi các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ cho đến chữ ký, con dấu của cơ quan có thẩm quyền đều được các đối tượng xử lý rất tinh vi.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của loại tội phạm này, thời gian qua, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng triệt phá và đã bắt giữ nhiều tổ chức, băng nhóm, đường dây làm giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả. Theo Ðại tá Ðinh Xuân Thiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, qua rà soát, trong ba năm gần đây tỉnh Yên Bái phát hiện 5 vụ việc, 13 trường hợp liên quan đến hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Ðể góp phần ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, quản lý nhằm giúp người dân nâng cao ý thức không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả; không tiếp tay cho tội phạm thì các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên làm công tác hành chính, công chứng tại các cơ quan công quyền. Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu chung về hồ sơ cán bộ để thuận tiện tra cứu thông tin, từ đó sớm phát hiện, ngăn chặn các hành vi sử dụng giấy tờ giả. Thường xuyên rà soát, xác minh các thông tin liên quan văn bằng, chứng chỉ có dấu hiệu không hợp lệ của cán bộ để có cơ sở xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan công an cần tăng cường đấu tranh, giám sát trên không gian mạng, bởi đây là kênh liên lạc chính giữa người cần làm giấy tờ giả với người làm giả. Tăng cường nguồn tin báo từ quần chúng nhân dân đối với các cơ sở làm các dịch vụ in, phô-tô-cóp-pi có dấu hiệu làm giả giấy tờ, con dấu...

Theo luật sư Vũ Hữu Quý (Ðoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh), việc cán bộ, đảng viên mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp lệ để đi xin việc làm hoặc để được bổ nhiệm vào các chức vụ là sự không công bằng với các cán bộ, nhân viên học thật, thi thật. Việc làm sai trái này đáng bị lên án. Ðể xử lý những hành vi vi phạm này, pháp luật cũng quy định: Nếu cán bộ, công chức có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả thì căn cứ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Nghị định 112/2020/NÐ-CP ngày18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 138/2013/NÐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Ðiều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý cho phù hợp. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mục đích của người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để áp dụng các hình thức như kỷ luật cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc; phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm... Nếu là đảng viên có thể căn cứ theo Quy định số 102-QÐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để và có hiệu quả tình trạng này, bản thân mỗi người dân, cán bộ, công chức, nhân viên... cần tự nâng cao ý thức, không ham cái lợi trước mắt, nhất là biết nói không với việc sản xuất, mua bán và sử dụng các loại giấy tờ giả. Ðây là giải pháp then chốt, tiên quyết và không thể thiếu trong việc ngăn chặn tình trạng này...

HIẾU THỌ SƠN - NAM PHƯƠNG