Bộ đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu sau Tết, nhất là các dịch vụ có nhu cầu tăng cao như vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, tham quan, lễ hội và những mặt hàng có xu hướng tiếp tục tăng giá như xăng dầu, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm,...
Trên cơ sở đó, các đơn vị có giải pháp điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ ổn định thị trường, hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát trong quý I và cả năm 2022.
Động thái này của Bộ Tài chính được đánh giá là kịp thời, khi nhóm hàng hóa nguyên, nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế như xăng dầu, khí hóa lỏng,… trên thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh. Trước đó, dự báo cho thấy, sẽ có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả. Trong kỳ điều hành ngày 11/2 vừa qua, giá xăng đã tăng gần 1.000 đồng/lít, gây sức ép rất lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất. Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư cũng chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới. Một số yếu tố thuận lợi giúp các cơ quan, đơn vị “giảm áp” trong điều hành, kiểm soát lạm phát như nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực dồi dào; thuế VAT nhiều loại hàng hóa, dịch vụ giảm từ 10 xuống 8%; các địa phương hạn chế hoạt động lễ hội đầu xuân,... Kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ thời gian qua cũng giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện khẩn chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, trong đó có Bộ Tài chính, ngay trong quý I này, bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; rút ngắn thời gian kiểm soát chi; phối hợp các cơ quan, đơn vị kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán; công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện truyền thông,...
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia kinh tế nhận định, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời có giải pháp chủ động trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022. Công tác quản lý, điều hành giá năm nay vẫn cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt ngay từ những tháng đầu năm.
Để kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, các ngành liên quan cần tiếp tục nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung dồi dào và từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân và người lao động. Các cơ quan quản lý tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép, sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá. Đồng thời, chủ động tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số,...