Điều chỉnh địa giới tỉnh Tuyên Quang

NDO -

Ngày 17-6, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị công bố nghị quyết số 1262/NQ-UBTVQH14 ngày 27-4-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, xã và thành lập thị trấn thuộc tỉnh Tuyên Quang. 

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang chứng kiến lễ ký bàn giao trách nhiệm quản lý giữa huyện Chiêm Hóa và huyện Lâm Bình.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang chứng kiến lễ ký bàn giao trách nhiệm quản lý giữa huyện Chiêm Hóa và huyện Lâm Bình.

Theo đó, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Phúc Sơn và xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa sáp nhập vào huyện Lâm Bình; thành lập thị trấn Lăng Can trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa có 24 đơn vị hành chính gồm: 23 xã và một thị trấn; Huyện Lâm Bình có 10 đơn vị hành chính gồm chín xã và một thị trấn. Cũng theo nghị quyết, điều chỉnh một phần diện tích và dân số các xã Lang Quán, Tứ Quận sáp nhập vào xã Thắng Quân và thành lập thị trấn Yên Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Thắng Quân thuộc huyện Yên Sơn.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành, tỉnh Tuyên Quang có bảy đơn vị hành chính cấp huyện gồm sáu huyện và một thành phố; 138 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 122 xã, 10 phường và sáu thị trấn.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định, việc điều chỉnh địa giới hành chính khắc phục những bất cập, tạo không gian cho sự phát triển mới là phù hợp quy luật, thực tiễn của địa phương. Nghị quyết 1262 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có có ý nghĩa nhiều mặt nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển đô thị, sắp xếp các đơn vị hành chính hợp lý đáp ứng quy định mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất một thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở.

Sau khi thành lập thị trấn, trung tâm huyện Lâm Bình, huyện Yên Sơn sẽ phát huy hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, không gian, cảnh quan, nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân cư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh… Đồng thời, đây là bước cụ thể hóa thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.