Diệt bọ xít hút máu: Phun thuốc muỗi không có tác dụng

NDO -

NDĐT - Bọ xít hút máu đã bắt đầu vào mùa sinh sản. Hiện Hà Nội, Hải Phòng đã bắt đầu phát hiện các trường hợp bọ xít bay vào nhà. Để phòng tránh rất nhiều gia đình đã bắt đầu phun thuốc diệt côn trùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phun thuốc muỗi này không đem lại tác dụng gì.

Diệt bọ xít hút máu: Phun thuốc muỗi không có tác dụng

Các loài muỗi hay kiến ba khoang, bọ xít hút máu... đều đã bị kháng hóa chất nên thuốc phun hiện nay đều không ăn thua.

Bọ xít rời rừng “tấn công” thành phố

Ngày 15-4 vừa qua, tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng, chị Phạm Thị Thanh Thủy (trú tại số 39/108, đường Hùng Vương, phường Thượng Lý) đã bị bọ xít hút máu đốt bốn vết khiến chị Thủy bị sưng, nhức, ngứa ở bả vai, bụng, cánh tay, bàn chân. Sau đó năm ngày, ngày 20-4 anh Trần Văn Thái (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phản ánh việc gia đình anh vừa bắt được một cá thể bọ xít tại cửa chính trong nhà.

Chị Ngọc Anh (Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, mình đọc được thông tin quận Thanh Xuân là khu vực có nhiều bọ xít hút máu nhất nên tranh thủ đợt nghỉ lễ vừa rồi do có nhiều dịch bệnh nên cả nhà không đi du lịch. Mọi người trong khu phố đều dọn dẹp nhà cửa, vứt sạch củi mục và gọi người ta đến phun thuốc.

Theo TS Phạm Thị Khoa, trưởng khoa Hóa thực nghiệm, viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Trung ương cho biết, việc người dân dọn dẹp nhà cửa, thu dọn củi mục là đúng. Nhưng việc phun thuốc muỗi phải xem xét lại vì việc này không đem lại tác dụng gì.

Việt Nam đang lạm dụng hóa chất quá nhiều gây ra sự bất thường. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hóa chất ảnh hưởng cả khu hệ côn trùng trong nhà chứ không chỉ riêng muỗi. Đặc biệt, muỗi hay các loại côn trùng như kiến ba khoang, bọ xít hút máu... đều kháng hóa chất nên thuốc phun hiện nay đều bị “vô hiệu hóa”, TS Khoa cho biết.

Vẫn theo TS Khoa, hiện các nước châu Âu khuyến khích các gia đình không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Họ hỗ trợ cho người dân thêm tiền cùng với tiền bán sản vật. Bởi thuốc trừ sâu sẽ tiêu diệt hết các loài thiên địch có lợi.

Theo các chuyên gia, hiện đang bắt đầu vào mùa sinh sản của bọ xít hút máu (từ tháng 5 đến tháng 9). Các con bay vào nhà mà các gia đình bắt được chủ yếu là con trưởng thành. Đây là con cái đi hút máu tạo ổ mới và đẻ trứng rất nhiều. Loài này chủ yếu thích đốt gà và chuột nhưng nếu nhà không có gà và chuột nó sẽ tấn công hút máu người. Bọ xít rất thích các môi trường nhiễm bẩn nên không nên để đến khi chúng bay vào nhà rồi mới lo phun thuốc, dọn nhà. Nên sử dụng các chất diệt côn trùng thân thiện với môi trường như rắc vôi bột hoặc sử dụng các loại thảo mộc để xua côn trùng.

TS Khoa chia sẻ thêm, loài này trước đây thường hay phát triển các vùng đồi núi, rừng như khu vực Phú Thọ nhưng nay lại tấn công lên thành phố. Thậm chí các nhà khoa học đã phát hiện bọ xít hút máu cả ở những tòa nhà 13 tầng. Đây là những thay đổi rất đáng chú ý, hiện đang được nghiên cứu để có kết luận cụ thể.

Hầu hết các quận, huyện Hà Nội đều có

Trong hội thảo gần đây nhất về “Thực trạng và vai trò dịch tễ của bọ xít hút máu tại Việt Nam", TS Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, người đầu tiên nghiên cứu về bọ xít hút máu tại Việt Nam cho biết, Hà Nội có đến 31/36 đường phố với 121 vị trí được ghi lại cho thấy sự hiện diện của bọ xít hút máu, chiếm tỉ lệ 86%. Một vài huyện đạt kỷ lục về số địa điểm phát hiện từ 15 đến 30 lần như Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Đông Anh, Ứng Hòa… Không những thế, ở các quận nội thành Hà Nội cũng đạt kỷ lục trên 30 lần như Long Biên và Từ Liêm.

Kết quả điều tra trong hai năm qua cho thấy có một nhóm lớn của loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata đang tồn tại tại Việt Nam, cũng là loài hiện đang phân bố toàn cầu và lan rộng: Mỹ la tinh, Thái Lan, Philippines, quần đảo của Pháp…

TS Khoa cho biết thêm, theo điều tra mới nhất của bà cùng với Trung tâm phòng dịch Hà Nội, hầu hết các quận huyện Hà Nội đều phát hiện bọ xít hút máu. Chúng tập trung nhiều ở các vùng ven đô thị đang phát triển, nhiều nhất là các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đông Anh, Thanh Trì. Bọ xít bắt về mổ ra phát hiện có 54% máu bọ xít có ký sinh trùng. Nhưng chưa thể xác định được ký sinh trùng này truyền bệnh cho người hay cho chuột, TS Khoa nói.

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học do PGS, TS Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng TW từng công bố, có 98,96% bọ xít hút máu hoạt động vào ban đêm và được tìm thấy trong nhà như trên giường, chiếu, chăn, bức tường… Với 154 người bị bọ xít đốt, các vị trí đốt có thể từ đầu đến chân nhưng hai chân và cánh tay là nhiều nhất. 99,35% người thấy vết đốt gây sưng, ngứa, 4,54% người bị sốt (7/154) nhưng chỉ kéo dài một vài ngày. Một trường hợp bị nhiễm trùng da cục bộ (0,65%) do ngứa và gãi.

Hiện nay bệnh Chagas - một bệnh do bọ xít hút máu người gây ra - được coi là vấn đề y tế ở Mỹ la tinh nhưng thực tế nó đã phát triển thành vấn đề toàn cầu. Do người di cư và khách du lịch tăng liên tục, các trường hợp mắc Chagas được báo cáo ở 19 nước ngoài khu vực Mỹ la tinh, bao gồm Nhật và Australia. Theo các nhà khoa học, do tính chất nguy hiểm của loại bệnh mà loài bọ xít này có thể gây ra và làm lây truyền, chúng ta cần có những nghiên cứu tiếp theo về loài này và khả năng gây bệnh, những người trong danh sách bị đốt cần được kiểm tra lâu dài.

Tuy nhiên, hiện còn quá nhiều tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn phải đối phó nên chúng ta cũng chưa có chi phí để dành cho nghiên cứu vấn đề này, một chuyên gia chia sẻ...