Ðường Trường Sơn - đề tài thiêng liêng và bất tận của văn học nghệ thuật

ND- Cách đây nửa thế kỷ, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quyết định lịch sử thành lập tuyến vận chuyển quân sự trên bộ chi viện cho chiến trường miền nam qua dải Trường Sơn từ tây Quảng Bình đến ngã ba biên giới.

Ðường Trường Sơn đã trở thành con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Ðã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị lấy đề tài đường Trường Sơn. 

Từng tấc đất nơi đây đã thấm máu xương anh hùng, liệt sĩ. Gần 20 nghìn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và hơn 30 nghìn người bị thương trên tuyến đường Trường Sơn. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hiện là nơi yên nghỉ của hơn 10.300 liệt sĩ Trường Sơn đến từ mọi miền Tổ quốc. Thắp nén hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, mỗi người chúng ta đều trào dâng xúc động thấm thía những dòng chữ ghi trong văn bia Nghĩa trang liệt sĩ: "Năm tháng sẽ qua đi, nhưng sự đóng góp của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt". Trong đạn bom khốc liệt của chiến tranh, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ đã vượt Trường Sơn tỏa đi các chiến trường miền nam, trong đó có người anh dũng hy sinh, đã để lại những tác phẩm đỉnh cao của văn nghệ cách mạng. Nhiều đoàn nghệ thuật đã bám sát bước chân hành quân của chiến sĩ đem lời ca, tiếng hát át tiếng bom, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân dân ta. Ðường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đã trở thành đề tài nóng hổi tính thời sự, tạo những rung cảm mạnh mẽ và sức sáng tạo của văn nghệ sĩ. Ngay từ những ngày đầu mở đường đã có những bài hát sống mãi với thời gian như Bước chân trên đỉnh Trường Sơn của Vũ Trọng Hối lời thơ Ðăng Thục viết năm 1967 hừng hực khí thế với niềm tin mãnh liệt: Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Ðá mòn mà đôi gót không mòn/ Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết/ Ta đi trong ánh lửa từ trái tim mình. Bài hát được coi như bản quân ca của người lính Trường Sơn. Bài ca Trường Sơn của Trần Chung lời thơ Gia Dũng cũng tràn đầy khí thế như vậy: ... đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió /Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa/ đi ta đi tung cánh đại bàng... Chiếc gậy Trường Sơn của những người chiến sĩ trèo đèo lội suối, vượt thác băng ghềnh cũng được đưa vào bài hát Chiếc gậy Trường Sơn của Phạm Tuyên. Và sau đó còn rất nhiều bài hát nổi tiếng khác như: Ðường Trường Sơn xe anh qua của Văn Dung, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Phạm Tiến Duật, Lá đỏ, nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Nguyễn Ðình Thi, Ðêm Trường Sơn nhớ Bác nhạc Trần Chung, lời thơ Nguyễn Trung Thu... Về văn học chúng ta nhớ đến nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật với những bài thơ mà các chiến sĩ Trường Sơn chuyền tay nhau đọc như: Trường Sơn đông, Trường Sơn tây; Tiểu đội xe không kính... Ði B qua đường Trường Sơn, nhà văn Hồ Phương đã viết tiểu thuyết Kan Lịch  và nhà văn Hữu Mai viết Dải đất hẹp xây dựng được hình tượng những người con ưu tú của dải Trường Sơn anh hùng. Còn nhiều bộ phim, vở kịch, điệu múa tác phẩm hội hoạ từ đề tài Trường Sơn  ca ngợi tinh thần quả cảm, chiến công oanh liệt của quân và dân. Những tác phẩm văn học nghệ thuật về đường Trường Sơn đều có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, trong chiến tranh thật sự là thứ vũ khí tinh thần cùng với các chiến sĩ đánh giặc. Những tác phẩm đó đọng lại với thời gian, cho đến hôm nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Tuy nhiên, cho đến nay nhìn một cách khái quát chúng ta chưa có thật nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về đường Trường Sơn, những tác phẩm có giá trị sau chiến tranh ngày càng hiếm. Rõ ràng sáng tạo văn học nghệ thuật chưa tương xứng với tầm vóc của con đường Trường Sơn huyền thoại. Hiện nay, văn học nghệ thuật đang rơi vào tình trạng đi nhiều vào các đề tài vụn vặt gọi là "đời thường" trong cuộc sống mang nặng tính giải trí mà chưa quan tâm đầy đủ đến những đề tài lớn trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Ðề tài về các cuộc chiến tranh thần thánh, giải phóng dân tộc càng thiếu vắng tác phẩm đề cập tới. Người xưa nói: "Ôn cố tri tân" nhớ cũ biết mới, chúng ta càng hiểu sâu sắc rằng, nhớ về cội nguồn, nhớ về truyền thống là đạo lý của dân tộc, là cơ sở để hoàn thiện nhân cách, xây dựng đạo đức lối sống của con người hôm nay. Ðời sống văn học nghệ thuật của nước nhà không thể thiếu mảng đề tài về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu của con người Việt Nam. Ðường Trường Sơn phải trở thành đề tài thiêng liêng và bất tận đối với văn học nghệ thuật. Từ những ngày máu lửa trong chiến tranh với bao tấm gương hy sinh anh dũng, bao nhiêu chiến công thần kỳ, bao nhiêu anh hùng dũng sĩ với bao nhiêu câu chuyện kể mãi không bao giờ hết, cho đến hôm nay con đường Hồ Chí Minh được xây dựng rộng lớn, thênh thang thảm nhựa phẳng phiu vắt qua đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, tất cả lẽ nào không thể tạo ra sự cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ? Sáng tác về đường Trường Sơn chính là thể hiện sự tri ân và tinh thần trách nhiệm với những người đã khuất. Trong những ngày kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, chúng ta vui mừng đón nhận thông tin: Những đoàn văn nghệ sĩ đang hăm hở lên đường đi thực tế ở đường Trường Sơn với tinh thần hăng hái phấn chấn như các chiến sĩ ra trận năm xưa. Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thành bộ phim ký sự dài 60 tập về đường Trường Sơn cùng những con người đã làm nên huyền thoại. Các nhân chứng lịch sử là điểm nhấn quan trọng của bộ phim. Chính họ - những người anh hùng một thời không chỉ kể về quá khứ mà còn là người trong cuộc nói về những đổi thay trên con đường Hồ Chí Minh hôm nay. Ðó là những tín hiệu tốt lành cho thấy sáng tác về Trường Sơn có nhiều ngả đường, nhiều góc nhìn, nhiều cách thể hiện khác nhau. Ðiều quan trọng là văn nghệ sĩ phải thâm nhập đường Trường Sơn  với tất cả sự rung động của trái tim mình. Tất nhiên đề tài không phải là tất cả để tạo nên giá trị của tác phẩm nhưng đi sâu vào đề tài với tất cả tâm huyết của mình là điều kiện tiên quyết của sự sáng tạo.

Có một điều chúng ta cần nhận thấy rằng, cuộc chiến càng lùi xa thì những khung cảnh, tư liệu hiện vật, nhân chứng lịch sử càng lùi xa và như vậy việc thâm nhập thực tế ngày càng trở nên khó khăn hơn, cho nên việc đặt ra kế hoạch sáng tác về đường Trường Sơn càng sớm càng tốt.  Sự lùi xa của cuộc chiến cũng tạo nên sự hẫng hụt trong lực lượng sáng tác. Các văn nghệ sĩ đã từng sống trong những ngày chiến tranh, đã từng chống gậy hành quân trên đường Trường Sơn nay đã cao tuổi, nhiều người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Còn lớp trẻ lớn lên trong thời bình khi thâm nhập tìm hiểu cuộc chiến không khỏi khó khăn, bỡ ngỡ cho nên ngại đi vào đề tài này. Mặt khác, không ít người cho rằng, đề tài đường Trường Sơn là đề tài rất khó, mặc dù ẩn chứa trong đó biết bao nhiêu sự tích, bao nhiêu huyền thoại, nhưng sách báo, tư liệu, phim ảnh đã ghi lại rất nhiều. Chúng tôi thiết nghĩ, bên cạnh những khó khăn, thách thức ấy lại lóe lên những thuận lợi mới. Sự lùi xa của cuộc chiến sẽ tạo ra một cái nhìn lắng đọng hơn, có điều kiện phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng các sự kiện hơn. Trong chiến tranh,  chúng ta nhấn mạnh tới cái hùng, thậm chí có lúc choán tất cả với sự mãnh liệt của nó để các tác phẩm văn học nghệ thuật thật sự là tiếng kèn xung trận góp phần làm nên chiến thắng. Giờ đây, văn học, nghệ thuật có cách nhìn toàn diện hơn có thể diễn tả đủ cả cái bi và cái hùng diễn ra trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Cách tiếp cận đường Trường Sơn của văn học nghệ thuật là tiếp cận với con người, chính là những người lính, thanh niên xung phong, người dân trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu Con người ấy hôm nay phải được nhìn từ nhiều chiều, từ hoàn cảnh gia đình, chuyện riêng tư, suy nghĩ khát vọng... Có lúc hồn nhiên trong sáng có lúc phải đấu tranh dằn vặt với những hoàn cảnh riêng biệt giữa cái sống và cái chết nhưng đã vượt lên tất cả để viết nên thiên anh hùng ca chói lọi. Những nhân vật đó sẽ được khắc họa có số phận với chiều sâu của thời gian. Như vậy đi tới đường Trường Sơn hôm nay văn nghệ sĩ vẫn có một khoảng không gian sáng tạo rộng lớn với nhiều cách thể hiện đa dạng, phong phú nhất định hứa hẹn sẽ xuất hiện những tác phẩm tầm vóc có giá trị. Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là mỗi người chúng ta đến với Trường Sơn với tất cả tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ, với tất cả sự say mê tìm tòi sáng tạo, không có bầu máu nóng đó thì không thể có được không gian sáng tạo - cái nền cần thiết để xây dựng tác phẩm.

Chúng ta ai cũng mong muốn ngày càng có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về đường Trường Sơn xứng tầm với con đường huyền thoại này. Trong hoàn cảnh kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, việc thâm nhập thực tế đòi hỏi công phu đầy gian truân và tốn kém, bên cạnh sự nỗ lực, tâm huyết của văn nghệ sĩ còn rất cần đến sự hỗ trợ của các nhà quản lý, các địa phương, của hội nghề nghiệp và các nhà tài trợ. Hy vọng thời gian tới, đề tài đường Trường Sơn luôn luôn thôi thúc và hiện hữu trong tâm khảm mỗi chúng ta.

      ÐỖ HOÀI