Làm thế nào để giữ được tính văn hoá trong truyền thông?

NDO -

NDĐT - Cần có một thái độ ứng xử như thế nào đối với truyền thông hiện nay? Cổ xuý văn hoá truyền thống để thoát khỏi sự ảnh hưởng tiêu cực của văn hoá ngoại lai? Cần phải có tư duy hiện đại mới giải quyết được bi kịch về văn hoá trong sự phát triển hiện nay?

Chạy theo các thông tin giật gân, câu khách là xu hướng của nhiều báo mạng hiện nay. Ảnh: ĐT
Chạy theo các thông tin giật gân, câu khách là xu hướng của nhiều báo mạng hiện nay. Ảnh: ĐT

Nhiều vấn đề và giải pháp nhằm làm tăng giá trị văn hoá trong phương tiện truyền thông đại chúng (PTTTĐC) đã được đề cập tới tại Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn, các phương pháp tiếp cận và phương pháp luận nghiên cứu về văn hoá truyền thông đại chúng” do Khoa Báo chí & Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức.

Truyền thông cần phải củng cố niềm tin cho công chúng

Đánh giá sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, mạng internet và các ứng dụng của kỹ thuật số, nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, với khối lượng thông tin khổng lồ được chuyển tải từng giây, từng phút qua các PTTTĐC, qua mạng, qua điện thoại thông minh, con người có thể tiếp cận thông tin về mọi lĩnh vực ở bất kỳ nơi nào, lúc nào, chính việc kiểm soát luồng thông tin đó đôi khi là không thể.

Một trong những nguy cơ này là người ta đã lợi dụng tiện ích đó để thực hiện mưu đồ riêng, hoặc vô tình, truyền bá thông tin độc hại cho xã hội, phổ biến những thông tin sai sự thật, bóp méo sự thật, thông tin về những mặt trái của xã hội tạo nên những hình ảnh méo mó.

Ông Huệ nhấn mạnh tới các loại thông tin giật gân, câu khách, khai thác đời tư của các sao, các VIP, đánh trúng vào thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng… là biểu hiện sai trái, thiếu văn hoá của thông tin.

Chính vì vậy, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong kỷ nguyên số đang là vấn đề nóng hiện nay. Họ phải làm thế nào để tạo nên chuẩn mực về kiến thức, nghiệp vụ cũng như cách đưa thông tin đến với công chúng.

PGS, TS Viện Phó Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Bùi Hoài Sơn cho rằng những thông tin truyền miệng hoặc là nửa kín, nửa công khai mới khiến người đọc chú ý nhiều nhất.

Trong một thời kỳ dài, do nhiều lý do, các PTTTĐC thường đưa thông tin về vấn đề theo cách đánh giá, khen chê một chiều. Do cạnh tranh, cách cung cấp thông tin kiểu mới và lợi ích cá nhân nên một số cơ quan truyền thông đã có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin, thái độ, tình cảm của công chúng đối với các PTTTĐC.

Theo TS Bùi Hoài Sơn, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, TTĐC giờ đây không còn là một cơ quan chủ yếu nhấn mạnh vào yếu tố tuyên truyền, giáo dục quần chúng mà còn đảm nhận thêm nhiều chức năng khác không kém phần quan trọng, thế nên việc hình thành nhiều chương trình giải trí hay các chương trình kinh tế, tương tác với khán giả thể hiện sự thay đổi của truyền hình.

Cần một tư duy hiện đại để thay đổi

Một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh tới khái niệm công nghiệp văn hoá là phương thức mới xuất hiện trong truyền thông giai đoạn này. PGS, TS Phạm Thái Việt (Khoa Truyền thông và văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao) cho rằng cần nhìn nhận khách quan về công nghiệp văn hoá ở một dạng sản xuất đặc biệt có chức năng cả về văn hoá và kinh tế. Trước hết các nhà lãnh đạo, quản lý phải thay đổi nhận thức, xác định văn hoá là ngành sản xuất có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, từ đó mới tạo ra sự chuyển biến trong định hướng, cũng như các chính sách quản lý phát triển văn hoá.

Các cơ quan có liên quan cần sớm có quy hoạch lại công nghiệp văn hoá, xác định những lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên đầu tư, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển một cách có kế hoạch, chủ động và có những bước đi phù hợp, nhất là việc tạo ra hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ.

Theo ông Phạm Thái Việt, nhận thức đúng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng với cơ sở vật chất kỹ thuật thực sự là những khâu mang tính quyết định trong quá trình phát triển công nghiệp văn hoá. Các chủ thể sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ trên lĩnh vực truyền thông văn hoá không thể chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà phải tính đến những tác dụng khác của sản phẩm như giáo dục, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bản sắc văn hoá…

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh, cần phải có “tư duy hiện đại” mới có thể giải quyết được bi kịch về văn hoá trong sự phát triển mới của văn hoá Việt hôm nay. Như vậy mới có thể gạn lọc, buông bỏ những yếu tố bất cập để gìn giữ và bảo tồn những tinh hoa, căn cốt nhất trên đường phát triển hội nhập. Đây là nhiệm vụ lớn nhất của giới truyền thông Việt phải đảm đương hiện nay. Đó là phải truyền thông về sự phát triển văn hoá Việt một cách đích đáng, trên cơ sở nhận thức được bi kịch của sự phát triển, chỉ khi ấy mới có văn hoá thực sự trong truyền thông.

Trong quá trình phát triển cần phải hình thành một lối ứng xử văn hoá mà công chúng có thể tồn tại, giao tiếp, làm việc và hưởng thụ mà không bị nhiễu loạn thông tin, không bị lệ thuộc vào thông tin trong bối cảnh một xã hội “bùng nổ truyền thông” như hiện nay. Đặc biệt nhà báo và các cơ quan TTĐC cần thận trọng đối với thông tin trên mạng xã hội, tránh tiếp tay cho tin đồn thất thiệt, đồng thời đăng tải những thông tin theo hướng tích cực, trung thực để định hướng dư luận, vun đắp niềm tin cho công chúng.